Việt Nam quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' IUU của EC

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến vừa họp với các đơn vị liên quan để thực hiện kế hoạch của Chính phủ chỉ đạo làm việc với Đoàn thanh tra Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) lần 5.

Được biết, trong tháng 11 này, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra về tình hình thực hiện các yêu cầu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Theo dự kiến, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra về tình hình thực hiện các yêu cầu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU). Đây là đoàn thanh tra thứ 5 sang Việt Nam trong 7 năm qua, kể từ khi EC chính thức rút "thẻ vàng" với nước ta.

Trong vòng một năm qua, đã có hơn 4.000 tàu cá khai thác bất hợp pháp và bị lực lượng chức năng của nước ta xử phạt. Số tiền phạt lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Nhiều địa phương đang rất quyết liệt vào cuộc để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống IUU.

Nhiều địa phương đang rất quyết liệt vào cuộc để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống IUU.

Ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, số lượng tàu cá vi phạm và số tiền xử phạt vi phạm hành chính là một trong những yếu tố cho thấy các địa phương hiện nay đang rất quyết liệt vào cuộc để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống IUU. Triển khai Nghị định 32 của Ban Bí thư, các công điện của Chính phủ, hiện nay các địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, phối hợp chặt chẽ với nhau và mở các đợt cao điểm. Đặc biệt, rà soát, củng cố các hồ sơ, chứng cứ để xử lý vi phạm hành chính với mục đích giảm dần các hành vi vi phạm khai thác IUU trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay đã cơ bản khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của EC nêu ra tại đợt thanh tra lần thứ 4, như đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU, phát triển bền vững ngành thủy sản; Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT để xử lý dứt điểm đối với tàu cá “3 không”.

Đặc biệt, ngày 12/6/2024, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý các hành vi liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chính phủ đã phê duyệt các Quy hoạch, Chiến lược, Chương trình, Đề án và Kế hoạch tổ chức thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo IUU Bộ NN&PTNT, các địa phương cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, bảo đảm có kết quả, số liệu cụ thể để sẵn sàng làm việc với Đoàn thanh tra của EC. Đồng thời, các đơn vị, ngành chức năng tiếp tục tập trung cao điểm chốt chặn tại các cửa sông, cửa biển và tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cảng cá, bãi ngang để xử lý vi phạm; đặc biệt xử lý nghiêm khắc các vi phạm quy định về Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS), không bảo đảm điều kiện hành nghề…

“Thời điểm này rất quan trọng để Việt Nam gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024. Vì vậy, các ngành, các cấp có liên quan từ Trung ương đến địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”” - ông Hùng nói.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, kể từ khi EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” IUU đối với thủy sản khai thác của Việt Nam và đưa ra 9 nhóm khuyến nghị cần thực hiện để gỡ thẻ, đến nay, EC đã cử 4 Đoàn thành tra đến Việt Nam để thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ quy định IUU. Kế hoạch sắp tới, Đoàn thanh tra của EC sẽ tiến hành thanh tra thực địa, xem xét gỡ “thẻ vàng” IUU lần thứ 5 cho thủy sản Việt Nam. Việc tháo gỡ “thẻ vàng” IUU năm 2024 không chỉ góp phần nâng cao thương hiệu, uy tín, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mà còn là động lực để phát triển thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững.

Trước đó, tại Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cần tập trung nguồn lực, xử lý dứt điểm các nội dung trọng tâm, cấp bách trong khoảng thời gian trước khi Đoàn thanh tra của EC sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam.

Cụ thể, Chính phủ giao Chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của địa phương mình. Các hiệp hội thủy sản và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ban hành nội quy quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải tuân thủ quy định về chống khai thác IUU; nghiêm cấm hành vi thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm thủy sản khai thác vi phạm; Đồng thời thông báo kịp thời cho lực lượng chức năng nếu phát hiện ra các doanh nghiệp không tuân thủ quy định.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil, ngày 18/11 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ tướng đề nghị Ủy ban châu Âu tập trung tháo gỡ các vướng mắc, vấn đề tồn đọng trong quan hệ hai bên, trong đó có việc EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU; đề nghị EU thúc đẩy 9 nước thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU.

Để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới, Thủ tướng đưa ra 3 định hướng quan trọng, đó là: tăng cường trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; tập trung tháo gỡ các vướng mắc, vấn đề tồn đọng trong quan hệ hai bên, trong đó có việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “Thẻ vàng” IUU về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; đề nghị EU thúc đẩy 9 nước thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), tiếp tục duy trì ODA và hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để Việt Nam thích ứng với các quy định mới của EU về phát triển bền vững, đồng thời, hỗ trợ tối đa về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực để giúp Việt Nam triển khai hiệu quả Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Đánh giá tích cực về những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhất trí cho rằng Việt Nam và EU cần tiếp tục tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khai thác tốt hơn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Bà Ursula von der Leyen đề nghị hai bên tích cực phối hợp để cùng nâng cao hiệu quả hợp tác ASEAN-EU, mong muốn Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của EU vì hòa bình, ổn đinh, hợp tác phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/viet-nam-quyet-tam-go-the-vang-iuu-cua-ec-1103708.html