Không phải là gắn danh hiệu đơn thuần

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KHCN) đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Theo thời gian, doanh nghiệp KHCN ngày càng chứng tỏ sự lớn mạnh của một lực lượng sản xuất có trình độ cao, trở thành mũi nhọn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia, việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN không phải là gắn danh hiệu đơn thuần, mà là sự đánh giá hàm lượng KHCN trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiến độ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN chậm, còn có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn.

Sản xuất tại Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - doanh nghiệp KHCN.

13 năm chỉ đạt 10% chỉ tiêu

Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, đến nay, cả nước mới chỉ đạt khoảng 10% (500/5.000) chỉ tiêu doanh nghiệp KHCN đến năm 2020. Mặc dù Hà Nội hiện có 76 doanh nghiệp KHCN, đứng thứ hai cả nước về số lượng doanh nghiệp KHCN, nhưng còn thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Có một thực tế là trong hơn 13 năm qua, nhiều văn bản, chính sách về doanh nghiệp KHCN đã được ban hành nhưng việc áp dụng tại các địa phương còn rất chậm. Theo Điều 59, Luật Khoa học và Công nghệ 2013: “Doanh nghiệp KHCN là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KHCN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”. Theo quy định hiện hành, kết quả KHCN được thể hiện dưới một trong các hình thức: Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp...; giống vật nuôi mới, giống cây trồng mới...; công nghệ nhận chuyển giao... Tất cả đều phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận.

Cùng với đó, phải có doanh thu từ kết quả KHCN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. Tuy nhiên, cách hiểu về khái niệm “doanh nghiệp KHCN” và “điều kiện cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN” chưa thống nhất - một nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Công ty Công nghệ hóa sinh Việt Nam, lẽ ra điều này phải được giải quyết tốt ngay từ đầu.

Vấn đề lớn thứ hai là cơ chế phối hợp giữa ngành KHCN với các bộ, ngành liên quan còn hạn chế, làm chậm bước phát triển của thị trường KHCN ở các địa phương. Các giao dịch về máy móc, thiết bị chiếm tỷ lệ áp đảo so với giao dịch các sản phẩm KHCN. Có rất ít sáng chế và giải pháp hữu ích; những sản phẩm KHCN thuộc đối tượng sở hữu trí tuệ thì chủ yếu tập trung vào nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp... Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KHCN Hà Nội, ở nhiều địa phương, những yếu tố để tạo nên thị trường KHCN sôi động chưa hội tụ đầy đủ.

Theo các chuyên gia, tiến độ và hiệu quả phát triển doanh nghiệp KHCN còn ở rất xa mục tiêu đề ra. Về thành tựu, trong những năm qua, dù còn nhỏ lẻ nhưng các doanh nghiệp KHCN đã đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ khá tốt; qua đó nâng cao thu nhập của người lao động, góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng số lượng doanh nghiệp KHCN còn rất chậm. Việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN và một số lĩnh vực KHCN cũng ở trong tình trạng tương tự.

Ông Trần Kim Quy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Công nghệ hóa sinh Việt Nam, nêu vấn đề: Quy trình chứng nhận doanh nghiệp KHCN rất đơn giản (không cần lệ phí, chỉ cần 1 bộ hồ sơ gồm giấy đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KHCN, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và dự án sản xuất, kinh doanh, sau 30 ngày sẽ có kết quả). Tuy nhiên, vẫn có trường hợp sau 3 năm chưa được chứng nhận. Thực tế này làm nản lòng doanh nghiệp.

Kỹ sư Nguyễn Doãn Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Minh nhận xét: Đích đến là thị trường vẫn chưa thực sự được chú trọng. Chính sách về KHCN thường “thuận” cho các cơ quan quản lý, còn các doanh nghiệp KHCN phải chịu thêm khó khăn từ cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa hoàn thiện. Thậm chí, các doanh nghiệp KHCN còn “kêu trời” vì bị “bó” bởi quy định về ưu đãi thuế do chỉ tiêu về tổng doanh thu quá cao so với khả năng của doanh nghiệp trong 3 năm đầu kể từ khi thành lập (lần lượt là 30%, 50% và 70%). Vì thế, ngay cả khi có thể tiếp cận được các điều kiện công nhận doanh nghiệp KHCN (hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KHCN) thì vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận.

Quan trọng là thực lực của doanh nghiệp

Các văn bản pháp quy tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc cấp chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Đáng kể là chỉ đạo của Chính phủ cũng rất cụ thể, kịp thời. Tháng 1-2020, tại Hội nghị triển khai công tác ngành KHCN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra 5 nội dung công tác KHCN chủ yếu, trong đó có nội dung liên quan tới phát triển doanh nghiệp KHCN với yêu cầu hàng đầu là xây dựng các chính sách và có hành động cụ thể để đổi mới sáng tạo quốc gia, phù hợp với xu thế quốc tế là doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm.

Theo ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KHCN quốc gia (Bộ KHCN), một trong những giải pháp đột phá là xây dựng khung pháp lý cho hoạt động ươm tạo và phát triển các doanh nghiệp KHCN cùng với việc kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Nhà nước cần “mở” hơn trong quy định tiếp nhận công nghệ mới, nếu cần thiết có thể cho nhập khẩu với thuế suất ưu đãi. Với những doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu công nghệ mới, Nhà nước cần có sự hỗ trợ thiết thực cả về vốn vay và bảo trợ cho sản phẩm mới. Cần có sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp kịp thời của các bộ, ngành trong việc thực thi giải pháp để tăng tiến độ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN.

Để tăng sức hấp dẫn của giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN, phải làm cho doanh nghiệp không chỉ thấy cần mà còn coi đó như là “giấy chứng nhận sức khỏe” của doanh nghiệp. Theo PGS.TS Nguyễn Thành Công, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN không phải là gắn danh hiệu đơn thuần, mà là sự đánh giá hàm lượng KHCN trong hoạt động của doanh nghiệp.

Còn đối với các doanh nghiệp, quan trọng nhất vẫn là thực lực, là chất lượng, hiệu quả hoạt động. Vì thế, doanh nghiệp KHCN phải chú trọng nâng cao tầm nhìn để sản phẩm có hàm lượng công nghệ ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Để có được ba yếu tố then chốt - đổi mới công nghệ, tăng cường nguồn lực tài chính và nhân lực trình độ cao - thì giải pháp tất yếu là phải tạo ra sự “gặp gỡ” giữa chính sách của Nhà nước và yêu cầu của doanh nghiệp. Chỉ như thế mới có thể đạt được mục tiêu đưa các doanh nghiệp KHCN trở thành lực lượng sản xuất chủ lực, đi đầu, sáng tạo và đạt hiệu quả cao.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):
Các sở KHCN cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ; mặt khác, thông qua doanh nghiệp, từ thực tiễn sản xuất để nắm bắt và tổng hợp các nhu cầu về đổi mới công nghệ.

Thùy Liên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/972830/khong-phai-la-gan-danh-hieu-don-thuan