Không phải lần đầu triển khai, vì sao học trực tuyến vẫn trục trặc?
Dù có kinh nghiệm từ những lần trước đó, nhưng nhiều nơi vẫn gặp trục trặc, chưa đạt hiệu quả cao trong học online, vì sao?
Sau hơn 1 tuần các trường tổ chức dạy học trực tuyến năm học 2021 - 2022, nhiều phụ huynh, học sinh, và cả giáo viên đều than phiền gặp trục trặc trong quá trình học như đường truyền mạng, phần mềm dạy học, học sinh không tập trung, cháy giáo án...
Theo TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc học online chưa hiệu quả là do những khó khăn về hạ tầng công nghệ cộng với ý thức tự học của học sinh chưa tốt, nhất là với lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Không chỉ vậy, hạn chế sự tương tác trong các hoạt động dạy học giữa giáo viên và học sinh cũng là nguyên nhân khiến chất lượng học online không được như kỳ vọng.
"Tương tác ở đây bao gồm: tương tác trực tiếp nhưng không tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh trong giờ học online; tương tác gián tiếp giữa thầy trò trước và sau giờ học online; tương tác với cha mẹ học sinh để đảm bảo kết nối và trợ giúp từ họ.
Tuy nhiên, phần lớn giáo viên hiện nay mới chỉ tập trung nỗ lực tương tác trong quá trình giờ học online được diễn ra, mà quên mất các khả năng hỗ trợ học sinh trước và sau giờ học, đi kèm với đó là sự tham gia trợ giúp của cha mẹ học sinh", ông Cường nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thanh Nga, chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, người học hiện nay không thiếu tài liệu học nhưng lại thiếu phương pháp tiếp nhận kiến thức hiệu quả.
Một số phụ huynh lầm tưởng cứ nâng cao chất lượng thiết bị học bằng cách mua máy tính, điện thoại, ipad đắt tiền hay tăng băng thông đường truyền mạng internet thì con sẽ học online tốt hơn. Tuy nhiên, đó chưa phải điểm mấu chốt, việc thay đổi thiết bị không quyết định nhiều đến chất lượng học. Quan trọng nhất vẫn là cách thức truyền tải kiến thức, phương pháp giảng dạy.
Giáo viên nên tập trung dạy những thứ người học cần đồng thời có hướng truyền thụ hiệu quả để học viên nắm chắc và áp dụng thuần thục giúp việc học dù là trực tuyến hay trực tiếp đều đạt hiệu quả.
Theo TS Thanh Nga, muốn học online hiệu quả cần thay đổi tư duy dạy và học theo hướng chủ động, tích cực. Giáo viên nên linh hoạt và truyền năng lượng tích cực trong giảng dạy để gia tăng hiệu quả khi không gặp gỡ, tiếp xúc với học viên; bản thân học viên cần nâng cao ý thức, tự chịu trách nhiệm với việc học của mình.
Hành động tắt camera, tắt âm thanh của học viên khiến giáo viên không thể biết học viên đang tập trung vào bài giảng không. Những thói quen kiểm tra hòm thư, tin nhắn, thông báo… dễ khiến việc học online bị sao lãng.
Để học online hiệu quả hơn, TS Tôn Quang Cường cho rằng, thầy cô cần chú trọng việc xây dựng và tổ chức quá trình tương tác trước, trong và sau giờ học với học sinh, phụ huynh.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, giáo viên không có cơ hội kết giao trực tiếp với học sinh nhưng lại có thể kết nối với các em bằng công nghệ. Hãy nghĩ đến các em để sử dụng công nghệ một cách sáng tạo theo cách riêng.
"Dạy học tiểu học, nhất là cho học sinh lớp 1,2 cần phải lấy sự hứng thú và tham gia của học sinh làm cái gốc. Trong quá trình học trực tuyến, trẻ luôn có xu hướng sợ bị cô đơn khi bị mất giao tiếp, lo lắng khi không hiểu lời cô giảng, nội dung bài giảng, lúng túng khi bắt chước các thao tác hoặc bất an khi thấy làm không đúng theo yêu cầu, bỡ ngỡ khi sử dụng công nghệ… Do đó, giáo viên cần phải thực sự là bạn cùng chơi, bạn cùng học trong mọi hoạt động của trẻ" , TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh.