Không phải thiếu hiểu biết mới trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người

Hiện tại, số lượng nạn nhân của tội phạm mua bán người đang có xu hướng tăng..

T.N.H (SN 1995) quê ở tỉnh Đồng Nai, là một vũ công của các chương trình ca múa nhạc. H kể rằng nhận được tin nhắn của một ông chủ khách sạn ở Campuchia đề nghị sang tham gia show diễn và được trả tiền khá hậu hĩnh.

Sau lời đề nghị làm ăn trên thì có nhiều nhân viên khác kết nối, chia sẻ về cơ đồ của ông chủ, các hoạt động có thể “hốt bạc” mang về Việt Nam. H nghĩ có thể là một hướng mở cho con đường đi của mình nên đã đi xe khách sang Campuchia thăm dò thị trường. Nhưng khi đến nơi, anh bị đưa ngay vào casino làm nô lệ, thực hiện các cuộc nói chuyện lừa đảo. Nếu không làm theo sẽ bị đánh đập, cưỡng bức và muốn về phải nộp tiền chuộc.

Nhóm đối tượng thanh niên đã trở thành nạn nhân mới của tội phạm mua bán người

Nhóm đối tượng thanh niên đã trở thành nạn nhân mới của tội phạm mua bán người

Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nhìn nhận đây là thủ đoạn rất mới của loại tội phạm này.

Tội phạm mua bán người hiện nay không còn tập trung vào những bé gái, những người phụ nữ miền núi bán sang nước ngoài làm vợ hoặc các ổ mại dâm trá hình.

Theo thống kê của Phòng Phòng chống mua bán người, nạn mua bán người bây giờ không còn rơi vào đối tượng là phụ nữ và trẻ em, mà chiếm tới 63% là nam giới.

Nạn nhân 13 tuổi được BĐBP Hà Tình giải cứu sau khi bị mua bán qua nhiều quốc gia

Nạn nhân 13 tuổi được BĐBP Hà Tình giải cứu sau khi bị mua bán qua nhiều quốc gia

Hiện nay, hoạt động của các đối tượng này chỉ chiếm khoảng 12% là hoạt động đơn lẻ, còn lại 88% là có tổ chức. Thủ đoạn tinh vi và đặc biệt nguy hiểm của chúng thể hiện ở chỗ tất cả các hành vi được liên kết chặt chẽ, từ người nhắn tin, người tuyển dụng lao động, người tiếp xúc, người tung tin về thu nhập khủng từ 30-40 triệu đồng/ tháng, đến người đưa đón, người tìm cách móc nối để đưa nạn nhân vượt biên sang nước ngoài.

Những tin nhắn tuyển dụng tiếp tục đánh vào tâm lý sẽ được trả lương cao để lôi kéo. Có tin nhắn dụ dỗ rất chi tiết: “Tiền công: 3 triệu/ tháng. Bằng cấp: 2 triệu. Có kinh nghiệm: 2 triệu. 6 tháng không về phép: Thưởng 20 triệu. Thâm niên lên đến 100 triệu đồng… Hỗ trợ ký túc xá từ 4-6 người, có đầy đủ kem, xà phòng miễn phí”.

Một nạn nhân 13 tuổi được BĐBP Hà Tĩnh giải cứu hồi vào tháng 4-2024 vừa qua chia sẻ, tháng 9-2022, cháu quen người phụ nữ qua mạng xã hội Facebook, cháu bị dụ dỗ, lôi kéo để rồi sau đó bị lừa bán sang Myanmar. Sau khi bị sập bẫy, chúng bắt ép nạn nhân phải lao động vất vả.

Đến tháng 12-2023, các đối tượng bán nạn nhân cho một công ty Trung Quốc ở đặc khu kinh tế tỉnh Bò Kẹo (Lào). Ở đây nạn nhân bị áp bức lao động, làm việc vất vả. Các đối tượng yêu cầu, muốn thoát khỏi đây thì phải thông báo với gia đình đưa số tiền chuộc là 10.000 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 350 triệu đồng tiền Việt Nam). Nạn nhân đã tìm cách viết đơn kêu cứu, nhờ gửi tới BĐBP Hà Tĩnh.

Đại tá Phạm Long Biên cho biết, theo thống kê sơ bộ của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), 9 tháng của năm 2024, đã có 53 tỷ USD chảy qua kênh lừa đảo trực tuyến liên quan đến mua bán người, trong đó riêng Việt Nam là 19 tỷ USD và đó mới chỉ là phẩn nổi của tảng băng. Các nạn nhân thậm chí còn không hề biết mình đã bị các đối tượng mua bán. Điển hình như trong chuyên án mới đây của Bộ đội biên phòng Việt Nam giải cứu 11 nạn nhân, trong đó có 7 cháu gái dưới 16 tuổi, có cháu mới 14 tuổi, hoàn toàn không biết mình đang bị kẻ xấu buôn bán.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán người, theo chỉ huy Cục Phòng chống ma túy và tội phạm cần thường xuyên chia sẻ, vạch trần thủ đoạn của các đường dây, tổ chức buôn người, nhằm giúp thanh - thiếu niên không rơi vào cạm bẫy.

T.Văn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khong-phai-thieu-hieu-biet-moi-tro-thanh-nan-nhan-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-post592092.antd