Không phải thương mại hay tài chính, AI mới là sàn đấu nóng nhất giữa 2 siêu cường Mỹ-Trung Quốc

Bắc Kinh đang nỗ lực hết mình để khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI), với trọng tâm là thiết lập cơ sở hạ tầng mới, thúc đẩy sức mạnh của công nghệ điện toán và thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ.

Sau khi OpenAI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) cho ra mắt ChatGPT vào tháng 11/2022, hệ thống chatbot dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo này nhanh chóng đươc ca ngợi trên toàn thế giới. Không nao núng, những "gã khổng lồ công nghệ" Trung Quốc nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới. Baidu cho ra mắt bot Ernie vào tháng 3/2023, liền sau đó là Alibaba Cloud và Kunlun’s Tiangong vào tháng 4.

Nối gót các "đại gia", nhiều công ty công nghệ nhỏ của Trung Quốc đang tham gia sâu hơn vào sân chơi trí tuệ nhân tạo. AI và những ứng dụng của công nghệ này đang tạo nên một làn sóng cạnh tranh mới giữa các doanh nghiệp, tổ chức của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

“Chúng tôi phải tăng tốc để bắt kịp xu thế. Những gì chúng ta đang đối mặt là một cuộc cách mạng ở cấp độ công nghệ”, ông Zhou Feng, Giám đốc điều hành bộ phận phần mềm dịch thuật Youdao của NetEase khẳng định.

AI từ lâu đã nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. (Nguồn: SCMP)

AI từ lâu đã nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. (Nguồn: SCMP)

Công cụ chiến lược của Bắc Kinh

Trong suốt 5 năm qua, hai siêu cường của thế giới đã cạnh tranh sít sao để giành ưu thế kinh tế thông qua cuộc chiến thương mại với nhiều động thái "ăn miếng trả miếng". Washington cũng chủ trương tách rời chuỗi cung ứng và ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận với công nghệ mới.

Dù nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 nhưng sự phục hồi yếu ớt của Bắc Kinh sau đại dịch Covid-19 đã làm lu mờ dự báo này.

Trong nỗ lực tìm lợi thế, Trung Quốc đang đặt cược vào AI và coi đây là công cụ chiến lược trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi sau 3 năm phong tỏa vì đại dịch, đối mặt với thách thức về nhân khẩu học và gia tăng những nỗ lực cạnh tranh với Mỹ.

Ông Kai-Fu Lee, cựu Chủ tịch của Google tại Trung Quốc cho biết: "Phát triển các mô hình AI lớn là cơ hội lịch sử mà Trung Quốc không thể bỏ lỡ".

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thể hiện sự thay đổi cơ bản trong cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau, đồng thời là cơ hội giúp thế giới khai thác các công nghệ hội tụ để tạo ra một tương lai toàn diện, lấy con người làm trung tâm.

Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey (Mỹ) ước tính, AI có thể đóng góp khoảng 13 nghìn tỷ USD vào sản lượng kinh tế toàn cầu năm 2030, khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn thế giới tăng 16%.

Hãng kiểm toán PwC cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ AI, với công nghệ góp phần tăng 26% GDP của nước này vào năm 2030.

Ông Kai-Fu Lee nhận định, khả năng triển khai thị trường nội địa rộng lớn, kết nối kinh tế, cũng như dòng chảy nhân tài của Bắc Kinh có thể tạo cơ sở ổn định cho sự phát triển của sức mạnh điện toán. AI từ lâu đã nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh và được coi là một trong những động lực cốt lõi để phát triển kinh tế chất lượng cao, theo hướng dẫn phát triển 2021-2025 của Trung Quốc.

Phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 10/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết “chiến đấu vì các công nghệ cốt lõi quan trọng” và đạt được mức độ tự chủ cao.

Kể từ khi Bắc Kinh phê duyệt kế hoạch truyền dữ liệu lớn vào năm ngoái để di chuyển dữ liệu người dùng ở phía Đông đất nước sang khu vực phía Tây với nguồn năng lượng dồi dào và các cánh đồng trống thông qua 8 trung tâm điện toán quốc gia, hơn 400 tỷ NDT (khoảng 56 tỷ USD) đã được "rót" vào đại dự án này.

Để chiếm thế thượng phong, Bắc Kinh nỗ lực hết mình khai thác tiềm năng của AI, với trọng tâm là thiết lập cơ sở hạ tầng mới, thúc đẩy sức mạnh của công nghệ điện toán và thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ.

Sức mạnh điện toán ngày càng trở nên quan trọng trong AI, giúp xử lý nhanh chóng lượng thông tin khổng lồ, cách mạng hóa tốc độ và độ chính xác của phân tích hệ thống. Nhà sử học Chris Miller, tác giả cuốn sách Cuộc chiến chip: Cuộc chiến giành công nghệ quan trọng nhất thế giới, cho biết: “Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được quyết định bởi sức mạnh điện toán".

Theo Học viện Công nghệ thông tin và truyền thông Trung Quốc (CAICT), một chi nhánh của Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin, Trung Quốc hiện chiếm 33% sức mạnh điện toán của thế giới, chỉ thấp hơn 1 điểm phần trăm so với Mỹ.

Nestor Maslej, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm thuộc Đại học Stanford, cho biết: “Việc Trung Quốc tập trung vào việc tăng sức mạnh điện toán chắc chắn tạo cơ hội cho quốc gia này bắt kịp Mỹ về AI".

Ngành AI Trung Quốc bị "bóp nghẹt" vì thiếu chip

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ), Trung Quốc vẫn còn khoảng cách khá xa so với đối thủ vì đầu tư tư nhân của Washington đang lớn gấp 3,5 lần Bắc Kinh. Chưa kể, "phần lớn các mô hình đa phương thức và ngôn ngữ lớn trên thế giới (54% vào năm 2022) được đưa ra bởi các tổ chức của Mỹ", nghiên cứu chỉ rõ.

Mỹ được đánh giá cao hơn hẳn Trung Quốc về môi trường đầu tư ưu việt cho các công ty nghiên cứu công nghệ AI, cho ra những nghiên cứu và mô hình AI có chất lượng cao hơn. Năm ngoái, Washington vượt đối thủ hơn 5 lần về sản xuất hệ thống máy học AI khi tạo ra 255 hệ thống quan trọng mới so với 44 của Bắc Kinh.

Đối với ngành công nghiệp AI, chip đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức mạnh tính toán với tỷ lệ sức mạnh tính toán của chip đơn vị xử lý đồ họa trong lĩnh vực điện toán tăng từ 3% năm 2016 lên 41% vào năm 2020.

Việc Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu sâu rộng đối với chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc đã "bóp nghẹt" ngành AI của Trung Quốc do thiếu hụt hàng loạt vật liệu quan trọng, từ bộ xử lý đồ họa (GPU), mạch tích hợp FPGA, vi mạch tích hợp chuyên dụng (ASIC) tới các chip gia tốc, theo một bài xã luận được đăng trên Economic Daily.

Li Yangwei, một nhà tư vấn kỹ thuật làm việc trong ngành công nghiệp điện toán thông minh tại thành phố Thâm Quyến cho biết: “Ngành công nghiệp AI trong nước của Trung Quốc hiện đang thiếu chip điện toán và nếu Mỹ tiếp tục trừng phạt công nghệ chip của Trung Quốc, điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực điện toán trong thời gian ngắn”.

Theo chuyên gia này, trở ngại đối với sự phát triển của công nghệ điện toán trong nước chỉ giảm bớt khi Trung Quốc dần tự chủ hơn trong công nghệ chip.

Bất chấp sự cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, nhiều chính trị gia đã cảnh báo về những thách thức do AI mang lại và kêu gọi sự hợp tác từ hai bên.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Economist vào tháng 4 rằng số phận của nhân loại phụ thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc có thể thỏa thuận với nhau hay không, trong khi sự tiến bộ vượt bậc của AI có thể diễn ra trong vòng 5 đến 10 năm tới.

“AI không phải là cuộc thi của hai quốc gia”, ông Kissinger nói trong một cuộc họp kín do JPMorgan tổ chức tại Thượng Hải vào cuối tháng 5/2023, đồng thời lưu ý rằng AI mở ra một kỷ nguyên mới của ý thức con người, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa hai siêu cường để khám phá những tiềm năng cũng như thách thức từ công nghệ vượt trội này.

(theo SCMP)

Thu Lam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-phai-thuong-mai-hay-tai-chinh-ai-moi-la-san-dau-nong-nhat-giua-2-sieu-cuong-my-trung-quoc-231311.html