Không phải trường hợp học sinh nào ở lại lớp cũng mặc định là học kém
Trải qua 1 học kỳ học lại và con có kết quả tiến bộ, phụ huynh vui mừng cảm ơn giáo viên vì đã giúp con phát triển đúng với năng lực.
Số liệu trên 100.000 học sinh tiểu học bị đánh giá giá chưa hoàn thành chương trình năm học 2022-2023 và có thể bị ở lại lớp, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố gần đây đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Về nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với lãnh đạo các trường tiểu học. Có hiệu trưởng nhận định, việc cho học sinh không đạt đủ điều kiện ở lại lớp nhằm giúp các em phát triển về mặt trí tuệ theo theo đúng quãng thời gian cần có. Bên cạnh đó, không phải em nào ở lại lớp cũng sẽ mặc định là vẫn học "dốt".
Cô Nguyễn Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thư Phú (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, học sinh mầm non bước vào lớp 1, trí tuệ của các bé còn non nớt. Có những em kết thúc năm học, chưa đạt được yêu cầu tối thiểu của lớp 1.
"Quan điểm của nhà trường là khi học sinh lớp 1 không đạt được yêu cầu tối thiểu, đồng nghĩa trí tuệ của em đó còn non nớt, chậm phát triển, để học sinh đảm bảo đủ điều kiện, trường bắt buộc cho học sinh ở lại lớp.
Năm học 2022-2023 vừa qua, nhà trường có 4 trường hợp học sinh bị đánh giá giá chưa hoàn thành chương trình. Trước đó, khi các em từ trường mầm non vào lớp 1, giáo viên có kiểm tra bảng chữ cái nhưng học sinh không thuộc hoặc nhanh quên.
Biết tin con em có thể bị ở lại lớp 1, phụ huynh nói do gia đình bận công việc, không quan tâm đến con cái nên họ thuê gia sư để kèm cặp cho con đầu tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, khi giáo viên nhà trường khảo sát nhưng năng lực của học sinh có tiến bộ một chút, nhưng vẫn chưa đạt.
Giáo viên có khuyên bố mẹ, nên cho con học lại lớp 1 để theo dõi sự phát triển về trí tuệ của trẻ ra sao.
"Khi giáo viên đưa trường hợp học sinh chậm phát triển vào diện theo dõi, phụ huynh lại không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của con sau này. Có phụ huynh dặn giáo viên là không được nói điều này trên lớp...", cô Vân nói.
Thực tế, có những trường hợp phụ huynh không cho con đi học trường mầm non và đến tuổi vào lớp 1, họ mới cho con đến trường. Điều này, khiến bé chậm tiếp cận hơn so với các bạn được học ở trường mầm non.
Với những trường hợp trên, qua khảo sát của hội đồng chuyên môn nhà trường, đơn vị phải đưa học sinh đó vào sổ theo dõi các em bị khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ.
Nữ Hiệu trưởng nhà trường cho hay, kiến thức của lớp 2, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng đọc tối thiểu 30 từ trong một phút (lớp 1 là 25 từ trong một phút). Hay như khi học sinh đọc bài toán, các em phải hiểu được nội dung yêu cầu gì để giải bài. Nếu học sinh chưa đọc thông, viết thạo, các em sẽ không thích ứng, học tập tốt được.
Cô Vân cũng cho rằng, không phải trường hợp nào ở lại lớp cũng mặc định là học kém. Bởi có những em trong quãng thời gian học lại lớp 1, trí tuệ của em đó phát triển tương ứng với nội dung chương trình học.
"Trong quá trình công tác, tôi từng thấy có những trường hợp học lại lớp 1 và đến hết học kỳ I năm học sau, học sinh đã có sự tiến bộ khác hẳn. Phụ huynh rất vui mừng, cảm ơn giáo viên và họ hiểu rằng con em mình non nớt về trí tuệ, cần phải có quãng thời gian để con phát triển đúng với năng lực. Nếu cho con lên lớp 2, con sẽ không học theo được với các bạn, từ đó dễ dẫn đến chán nản", cô Vân chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hồng Vân cho hay, Luật Giáo dục quy định, nhà trường chỉ được phép cho học sinh lớp 1 học lại một năm. Tuy nhiên, với trẻ chậm phát triển về trí tuệ, việc học lại hai năm lớp 1 cũng khó có sự thay đổi.
Bởi vậy, nếu phụ huynh có điều kiện kinh tế, họ có thể cho con đi học tại cơ sở giáo dục chuyên biệt để giúp trẻ phát triển với đúng năng lực vốn có của con em.
Đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1, cô Vân băn khoăn hai vấn đề.
Hiện nay, luật yêu cầu giáo viên tiểu học phải có bằng đại học, nhưng thực tế chúng ta chỉ cần tổ chức các lớp bồi dưỡng, bổ trợ chất lượng cho giáo viên thêm kỹ năng để phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Cho trẻ chưa đạt điều kiện lên lớp sẽ ảnh hưởng đến bạn khác
Cô Dương Thị Hương - Hiệu trưởng trường tiểu học Lương Khánh Thiện (Sơn Dương, Tuyên Quang) cho hay, mỗi địa phương sẽ có tỷ lệ số em học sinh tiểu học lên lớp là khác nhau.
Nhà trường thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), nhưng đơn vị không chạy theo "bệnh thành tích", nếu các em bị đánh giá chưa hoàn thành thì các em sẽ phải ở lại lớp.
Năm học vừa qua, nhà trường có 308 học sinh, trong đó có 4 học sinh bị đánh giá chưa hoàn thành chương trình (hai em có khiếm khuyết về trí tuệ).
Đối với học sinh khuyết tật thuộc diện cận nghèo, hộ nghèo được nhận hỗ trợ của nhà nước theo Nghị định 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC (hỗ trợ 80% mức lương cơ bản) nhưng có phụ huynh không đồng ý nhận hỗ trợ vì sợ con khó hòa nhập, ảnh hưởng đến tương lai sau này. Giáo viên giảng dạy trẻ khuyết tật cũng được nhận hỗ trợ, nhưng việc giảng dạy những em này cũng rất vất vả.
Bên cạnh đó, địa phương cũng chưa có cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với những em năng lực nhận thức hạn chế.
"Nhà trường có thể cho học sinh không đạt lên lớp, nhưng đồng nghĩa các em sẽ ngồi nhầm lớp. Các em sẽ bị đuối kiến thức do nhận thức chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Việc học sinh chưa đạt đủ điều kiện nhưng được giáo viên cho lên lớp, sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp. Ví dụ như học sinh không hiểu bài sẽ ngủ, nói chuyện, hay có những bạn bị hội chứng tăng động sẽ la hét... làm ảnh hưởng đến sự tiếp thu bài của bạn khác.
Vì vậy, việc học lại một năm học, học sinh sẽ được củng cố lại kiến thức, bồi dưỡng thêm và từ đó sẽ phát triển đúng với năng lực của bản thân", cô Hương cho hay.
Nữ Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đối với lớp có học sinh ở lại lớp, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng trong dịp nghỉ hè cho em đó và tổ chức kiểm tra lại. Nếu không đạt, học sinh đó sẽ ở lại lớp.