Không phải ung thư, đây mới là bệnh có số tử vong cao nhất nhưng nhiều người không biết
Mỗi năm có gần 19 triệu người tử vong vì bệnh lý tim mạch, cao hơn tổng số tử vong do 3 loại bệnh không lây nhiễm cộng lại, gồm: ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính và tiểu đường.
Tử vong do tim mạch cao hơn tổng số tử vong do ung thư, COPD và tiểu đường
GS Nguyễn Lân Việt - Phó chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam cho hay, trong mô hình bệnh tật về tim mạch, các bệnh do thấp tim, van tim có xu hướng giảm đi, nhưng các bệnh do xơ vữa động mạch như: Tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não... lại có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân liên quan rất nhiều đến chế độ dinh dưỡng, lối sống không hợp lý, khoa học; stress...
Lấy ví dụ về tăng huyết áp, các chuyên gia cho hay bệnh lý này trẻ hóa nhanh. Theo điều tra, 25% (thậm chí có nơi lên gần 50%) người trưởng thành mắc tăng huyết áp, nghĩa là cứ 4 người lại có 1 người mắc bệnh.
Đáng nói, 50% người bị tăng huyết áp nhưng không biết bệnh. Trong số những người biết bệnh có 30% không điều trị. 50% người có điều trị lại không đạt huyết áp mục tiêu, PGS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam - trao đổi tại cuộc họp báo giới thiệu về kỳ Đại hội lần thứ 18 của Hội Tim mạch học Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 7-9/10.
Vị chuyên gia dẫn số liệu điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 30% dân số ở các nước phát triển được hỏi cho rằng ung thư là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất. Nhiều người Việt cũng đồng quan điểm.
Trong khi đó, WHO năm 2019 thống kê mỗi năm có gần 19 triệu người tử vong vì bệnh lý tim mạch, cao hơn tổng số tử vong do 3 loại bệnh không lây nhiễm cộng lại, gồm: ung thư (hơn 10 triệu người), phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD, gần 2 triệu người) và tiểu đường (3,3 triệu người).
Trong số bệnh nhân tử vong vì tim mạch, riêng bệnh động mạch vành có tới 9 triệu người.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế thống kê mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm hơn 30% số ca tử vong do các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Trong khi theo Globocan (2020), mỗi năm Việt Nam có hơn 122.600 ca tử vong do ung thư.
Điều đáng nói, theo PGS Hùng, dù bệnh nhân tim mạch tử vong nhiều và nhanh hơn ung thư nhưng bệnh lý tim mạch có thể phòng được. Tuy nhiên, nhiều người không hề biết mình mắc bệnh do bệnh lý tim mạch tiến triển âm thầm. Đặc biệt, các chuyên gia lo ngại tình trạng vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.
Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật cao trong tim mạch
Theo GS Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, trước đây bệnh nhân tim mạch ở Việt Nam sang nước ngoài điều trị nhiều, nay số lượng này còn rất ít do ngành Tim mạch có những bước tiến lớn, nhiều kỹ thuật hiện đại được làm chủ.
“Các nước tiên tiến làm được kỹ thuật cao nào trong chẩn đoán, điều trị tim mạch thì Việt Nam cũng tiếp cận được” - GS Lân Việt khẳng định.
Trong ngành Tim mạch, gần đây can thiệp tim mạch đạt nhiều thành tựu lớn trong bệnh lý tim bẩm sinh, van tim hay động mạch vành. Các kỹ thuật hiện đại trên thế giới như thay van động mạch chủ qua ống thông, sửa van hai lá… đến nay Việt Nam đã làm chủ được.
Trả lời VietNamNet về vấn đề chi phí trong can thiệp tim mạch, PGS Phạm Mạnh Hùng cho hay chủ yếu liên quan trang thiết bị, vật tư tiêu hao.
PGS Hùng lấy ví dụ trong kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông, Việt Nam và các nước có mức phí tương đương nhau (khoảng 20.000 đô la Mỹ - gần 480 triệu đồng) cho trọn bộ trang thiết bị.
Vấn đề là tiền công cho toàn bộ ca can thiệp có khoảng cách lớn. Ở Nhật Bản, tổng mức chi phí cao gấp 5 lần Việt Nam, Singapore gấp 4 lần.
“Chi phí là một phần, đa số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan tim mạch rất quan trọng vấn đề thời gian và tại chỗ. Việc chuyển một bệnh nhân suy tim nặng, nhồi máu cơ tim hay gặp vấn đề trầm trọng về tim mạch ra nước ngoài là không được phép về mặt chuyên môn. Các thầy thuốc Việt Nam làm chủ được các kỹ thuật điều trị tim mạch tiên tiến giúp bệnh nhân hưởng lợi ngay tại chỗ” – PGS Hùng cho hay.