Không phân bổ tiếp số vốn hơn 782 tỷ đồng chưa đủ thủ tục đầu tư

Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định xử lý những tồn tại vướng mắc trong triển khai phân bổ, giao vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chiều 23-5, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trình bày tờ trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, về số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tối đa 176.000 tỷ đồng, thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực. Căn cứ các kết luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương chương trình là hơn 161.848 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 14.151 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. Ảnh: QUANG PHÚC

Về khả năng giải ngân vốn của chương trình, Bộ trưởng cho biết, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị là 338.415 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của chương trình là 137.844 tỷ đồng. Phần lớn các dự án thuộc chương trình là dự án khởi công mới, khó có thể giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2023. Trong khi đó, một số nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các bộ, địa phương có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác sử dụng. Do đó, việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn thuộc chương trình là hết sức quan trọng, cấp thiết.

Các đại biểu dự họp chiều 23-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự họp chiều 23-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, Chính phủ tổng hợp trình UBTVQH chậm, không đảm bảo quy định về thời hạn trình để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra và UBTVQH xem xét, cho ý kiến “trước ngày 31-3-2023” theo quy định tại Nghị quyết số 69 và Nghị quyết số 70/2022/QH15 của Quốc hội. Chính phủ chỉ mới đề cập đến tình hình khó khăn, nguyên nhân chung dẫn đến không thể kịp thời trình UBTVQH, chưa đánh giá, xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư và phương án phân bổ vốn theo quy định tại Nghị quyết số 69 của Quốc hội dẫn đến chậm trễ. Ủy ban đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và giải trình làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng trên và báo cáo Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: QUANG PHÚC

Từ những phân tích và theo ý kiến đa số Ủy ban TCNS, Ủy ban TCNS kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định xử lý những tồn tại vướng mắc trong triển khai phân bổ, giao vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Cụ thể, về giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (đợt 3), Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ, giao danh mục sử dụng vốn chương trình với tổng số là 13.369 tỷ đồng đối với 45 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn. Đa số ý kiến Ủy ban TCNS nhất trí việc rà soát, bố trí vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn của chương trình rất chậm, từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết số 43 là áp lực rất lớn, đề nghị Chính phủ hết sức cân nhắc trong việc phân bổ các nguồn vốn; cần đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết.

Đối với số vốn còn lại chưa đủ thủ tục đầu tư của chương trình là hơn 782 tỷ đồng, đa số ý kiến Ủy ban TCNS đề nghị không phân bổ tiếp.

Chính phủ cũng kiến nghị phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 là hơn 87.359 tỷ đồng (trong đó 80.590 tỷ đồng cho 4 nhiệm vụ, 180 dự án đã đáp ứng đủ điều kiện, hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31-3-2023 và 6.769 tỷ đồng cho 2 dự án Bộ Quốc phòng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư sau ngày 31-3-2023). Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các ĐBQH chiều 23-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các ĐBQH chiều 23-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Về phân bổ hơn 444 tỷ đồng còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bố trí cho Bộ GD-ĐT, Ủy ban TCNS nhất trí kiến nghị Quốc hội cho phép phân bổ đối với khoản vốn này, nhằm tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia.

Ủy ban TCNS cũng nhất trí đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khong-phan-bo-tiep-so-von-hon-782-ty-dong-chua-du-thu-tuc-dau-tu-post690824.html