Không phát triển nông nghiệp hữu cơ ồ ạt
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức Hội nghị triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đặt mục tiêu năm 2025. Theo đề án này, tổng diện tích phát triển nông nghiệp hữu cơ đạt đạt từ 1,5 - 2% tổng diện tích đất nông nghiệp và năm 2030 đạt từ 2,5-3%.
Tuy nhiên, Thứ trưởng (NN&PTNT) Trần Thanh Nam nhận định, đây là mục tiêu không đơn giản vì sản xuất nông nghiệp hữu cơ không phải trong ngày một ngày hai là có thể phát triển được và phát triển được thì phải quản lý được.
“Các địa phương không phát triển nông nghiệp hữu cơ ồ ạt, mà từng bước hướng đến hữu cơ và đạt hữu cơ. Địa phương phải xác định được thế mạnh, xác định cây, con chủ lực, xác định được diện tích và vị trí để sản xuất hữu cơ”, ông Nam nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, hiện phong trào phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam phát triển tương đối nhanh, đã có hơn 230.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ với hơn 97 doanh nghiệp (DN), trong đó có hơn 60 DN đã xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD/năm, xu hướng sắp tới còn phát triển hơn nữa.
Để triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, Bộ NN&PTNT sẽ có nhiều đợt tổ chức, tập huấn về nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý ở các cấp sở đến các địa phương, người sản xuất để hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng hướng dẫn các quy trình sản xuất hướng đến nông nghiệp hữu cơ và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Cùng với các giải pháp trên, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiến hành hỗ trợ về cơ sở pháp lý để nâng đỡ các tổ chức chứng nhận hữu cơ nâng cao năng lực, đi vào hỗ trợ cho các mô hình trong nước. Hướng họ liên kết với các tổ chức chứng nhận của quốc tế để nâng cao vị thế, trình độ năng lực của các tổ chức chứng nhận ngang bằng với các nước trong khu vực.
Theo kế hoạch triển khai Đề án của Bộ NN&PTNT, từ nay đến năm 2030, diện tích đất trồng hữu cơ phải đạt 2% trong tổng diện tích đất trồng trọt. Đề án xác định các sản phẩm hữu cơ chủ lực gồm lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cá phê, dừa, điều.
Trong chăn nuôi, các sản phẩm hữu cơ chủ lực sẽ gồm sữa, sản phẩm mật ong, sản phẩm yến, thịt gia súc gia cầm. Đồng thời sẽ xây dựng vùng chăn nuôi trâu, bò hữu cơ gắn với vùng đồng cỏ, vùng trồng trọt sản xuất thức ăn thô xanh hữu cơ. Mục tiêu đến giai đoạn 2030 sẽ đạt 2-3% tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ trên tổng sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Trong thủy sản, các sản phẩm hữu cơ chủ lực sẽ gồm tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất nuôi trồng thủy sản hữu cơ sẽ đạt 1,5-3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản.
Đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển vùng sản xuất hữu cơ được chứng nhận từ các vùng sản xuất, khai thác sản phẩm tự nhiên, phát triển sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên và sản xuất thâm canh, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng năm 2030 đạt khoảng 95-98%.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/khong-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-o-at-618505/