Không quá hoang mang với vi rút Adeno
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ tháng 8/2022 đến nay, tại một số địa phương ghi nhận số ca bệnh Adeno dương tính gia tăng đột biến, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng vì đây là loại vi rút phổ biến, thường xuất hiện mỗi năm, nếu trẻ không mắc bệnh nền thì những ca diễn biến nặng là rất hiếm.
Theo rà soát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, chưa ghi nhận ca bệnh dương tính với vi rút Adeno, chỉ có 5 ca bệnh được chuyển về từ Hà Nội và đã được cách ly, điều trị. Các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định.
Bác sĩ CKI Tạ Văn Quyết, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: “Do tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, mới đây, bệnh viện tiếp nhận 4 ca bệnh Adeno được chuyển từ Hà Nội về, trong đó, có 1 ca nhập viện trong tình trạng nặng với các triệu chứng ho nhiều, thở rít, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp.
Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhi đã được cho thở oxy và chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực. Nhờ đáp ứng tốt với việc điều trị, hiện, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.
3 ca còn lại đều bị viêm phổi, trong đó, 1 ca đã được điều trị khỏi và ra viện; 2 ca còn lại được bố trí phòng điều trị riêng, sức khỏe tốt, dự kiến trong vài ngày tới sẽ được xuất viện”.
Theo các chuyên gia y tế, thời gian gần đây, các bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng và diễn biến khác biệt so với các năm trước một phần là do trong thời gian hơn 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, người dân đều thực hiện nghiêm biện pháp 5K, nên bệnh nhân mắc các loại vi rút có xu hướng chững lại.
Đến thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trẻ đã quay lại trường học, các hoạt động trở lại bình thường, dẫn đến số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có bệnh Adeno có xu hướng gia tăng.
Đối tượng dễ mắc vi rút Adeno là người già, trẻ em dưới 5 tuổi. Loại vi rút này có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, song, người mắc ít khi bị bệnh nghiêm trọng. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc đang mắc bệnh hô hấp, bệnh tim mới có nguy cơ cao bị bệnh nặng do Adeno.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hoan, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Adeno là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân - Hè hoặc Thu - Đông.
Vi rút Adeno chủ yếu lây nhiễm qua giọt bắn, đường hô hấp khi tiếp xúc, nói chuyện trực tiếp với người bệnh. Khi bơi lội hay dùng chung nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm với người người bệnh cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút. Bên cạnh đó, dùng chung các đồ dùng cá nhân với người nhiễm vi rút cũng có thể khiến trẻ bị lây bệnh".
Do triệu chứng bệnh đường hô hấp đều giống nhau, nên nếu chỉ thực hiện khám lâm sàng thông thường thì khó phát hiện mắc vi rút Adeno hay không. Để phát hiện bệnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đang sử dụng 2 phương pháp xét nghiệm là test nhanh và PCR khẳng định. Sau khi khám lâm sàng, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có chỉ định xét nghiệm, điều trị phù hợp.
Hiện nay, chưa có vắc xin cũng như thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do vi rút Adeno gây ra. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hoan khuyến cáo: Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao liên tục trên 38,5 độ, ho nhiều, khó thở, li bì, tiểu ít, khò khè, tím tái… các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Ở thời điểm hiện tại, các bậc phụ huynh cần thực hiện các biện pháp phòng vi rút Adeno cho trẻ tương tự như phòng các bệnh đường hô hấp khác, như thường xuyên vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi họng cho trẻ; đảm bảo môi trường thông thoáng; đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài; hạn chế đến nơi đông người; tiêm vắc xin phòng các bệnh khác đầy đủ và đúng lịch…
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ bị loạn thông tin về bệnh do vi rút Adeno gây ra khi tham khảo các nguồn tin không chính thống trên mạng xã hội. Để tránh hoang mang, lo lắng, các bậc phụ huynh cần chắt lọc những thông tin chính xác, có nguồn gốc tin cậy để tham khảo, tránh hiểu sai về bệnh.