Không quản lý chặt kê đơn thuốc, gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh

Tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tự mua thuốc kháng sinh điều trị là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến nhiễm trùng đa kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo, kháng kháng sinh là một trong 10 vấn đề hàng đầu đe dọa tới sức khỏe loài người trong thời hiện đại.

Tập huấn liên thông đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Tập huấn liên thông đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Gia tăng tình trạng nhiễm trùng đa kháng thuốc ở người bệnh tại các bệnh viện

Trong hội nghị Truyền nhiễm của Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức tháng 3 vừa qua, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa ra những con số đáng lo ngại về tình hình vi sinh vật kháng thuốc.

Theo báo cáo, tình trạng nhiễm trùng đa kháng thuốc, sự đề kháng của vi khuẩn gram âm, tụ cầu vàng kháng thuốc đang lan rộng và là thảm họa toàn cầu. Tỷ lệ bệnh tử vong do nấm xâm chiếm và kháng kháng sinh cũng đang tăng mạnh.

Tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh đang lan rộng khắp thế giới như một đại dịch gây ra khoảng 5 triệu ca tử vong mỗi năm và trở thành một trong những kẻ giết người lớn nhất thế giới.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, tình trạng nhiễm trùng đa kháng thuốc ở người bệnh tại các bệnh viện đang ngày càng gia tăng "chóng mặt". Chỉ trong năm 2020, ước tính có hơn 2 triệu ca nhiễm nấm xâm lấn. Riêng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi tháng có 480 ca nhiễm khuẩn Gr(-) đa kháng khó điều trị và khoảng 200 ca nhiễm khuẩn Gr(+) kháng thuốc, với nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn cộng đồng gây ra. Thống kê cho thấy có hơn 80% phụ huynh chưa biết sử dụng kháng sinh đúng cách cho con dưới 2 tuổi.

"Điều này làm tăng tỷ lệ tử vong lên 1,6 lần, tăng tổng chi phí điều trị lên gần 2 lần và tăng chi phí thuốc kháng sinh lên gấp 3 lần so với bình thường", Tiến sĩ Hùng cho biết.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ tình trạng nhiễm nấm xâm lấn gia tăng ở các bệnh viện tại Việt Nam.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ tình trạng nhiễm nấm xâm lấn gia tăng ở các bệnh viện tại Việt Nam.

Đương nhiên hậu quả của tình trạng kháng thuốc sẽ dẫn tới tỷ lệ tử vong cao cũng như gánh nặng tài chính cho chi phí điều trị lớn có thể nói cuối cùng tất cả hậu quả vẫn đổ về người bệnh.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc kháng thuốc tăng tuy nhiên nguyên nhân quan trọng nhất vẫn được giới chuyên môn cảnh báo là bởi: Việc sử dụng thuốc, lạm dụng thuốc bừa bãi.

Sử dụng thuốc đặc biệt là kháng sinh không đúng quy định trong cuộc sống có nhiều cách tiếp cận ví dụ như: Trồng trọt, chăn nuôi sử dụng nhiều kháng sinh khiến thực phẩm chúng ta sử dụng đã có kháng sinh, bác sĩ kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh hoặc chỉ định khi chưa cần thiết....

Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, việc kháng thuốc khá nghiêm trọng là do mua thuốc không đơn. Việc mua kháng sinh ở các hiệu thuốc khi không có đơn rất dễ dàng. Dược sĩ tại nhà thuốc đang tự ý bán thuốc không đơn dù dược sĩ không có thẩm quyền kê đơn thuốc.

Ngay cả đối với bác sĩ, những người chỉ có thẩm quyền khám, chữa bệnh và không được phép bán thuốc tại phòng khám (nếu không đăng ký kinh doanh nhà thuốc) cũng đang thường xuyên bán thuốc trá hình cho bệnh nhân.

Cần quản lý chặt bán thuốc theo đơn

Năm 2021, Bộ Y tế đã có Thông tư 27/2021/TT-BYT; Thông tư 04/2022/TT-BYT quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử và bán thuốc theo đơn cũng như đã có quyết định vận hành với Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (QĐ 425/2025/QĐ-BYT), triển khai thí điểm từ những năm 2019 tới 2024.

Theo báo cáo tại các hội nghị của Bộ Y tế, thực thi chu trình kê đơn điện tử và bán thuốc theo đơn là quản lý tốt việc bán thuốc theo đơn.

Đơn thuốc điện tử là một cấu phần rất nhỏ và tất yếu phải có trong Bệnh án điện tử. Rộng hơn thế, đơn thuốc điện tử còn phát sinh tại cơ sở khám chữa bệnh cho người bệnh không điều trị nội trú và không có bệnh án.

Tập huấn cho các cơ sở y tế liên thông đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Tập huấn cho các cơ sở y tế liên thông đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Chỉ khi sử dụng đơn thuốc điện tử rộng khắp trên phạm vi toàn quốc để bảo đảm giám sát quản lý hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn tới từng cơ sở y tế thì mới có hy vọng khống chế dần tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng.

Đơn thuốc điện tử cung cấp thông tin minh bạch về mỗi đơn thuốc (cơ sở khám chữa bệnh, bác sĩ kê) và cập nhật trạng thái đơn thuốc (đã bán một phần, toàn phần, đã hết hạn...) giúp cho người bán thuốc, người bệnh đều có thể thực thi đúng quy định.

Nếu sử dụng đơn thuốc giấy kê tay như trước đây, thật khó để biết đơn thuốc có thật hay không, có đúng của bác sĩ kê hay không, đơn bán rồi hay chưa, toàn phần hay một phần và đơn còn hạn hay hết hạn (đơn thuốc chỉ có thời gian hiệu lực trong 5 ngày theo quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT).

Theo báo cáo của đại diện Hội Tin học Y tế, hiện nay, 100% các bệnh viện trên toàn quốc đều đã có phần mềm quản lý bệnh viện HIS, các trạm y tế xã, phường đều có phần mềm V20 của Bộ Y tế áp dụng. Như vậy, 100% khối y tế công lập đã và đang kê đơn thuốc điện tử.

Đối với khối y tế tư nhân (phòng khám đa khoa chuyên khoa), gần 10.000 cơ sở tư nhân đã liên thông đơn thuốc điện tử. Các phòng khám cũng phải liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh của người bệnh về hệ thống sổ sức khỏe điện tử VNeID của C06, Bộ Công an theo quy định tại Đề án 06.

Còn đối với khối nhà thuốc, từ năm 2019, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã yêu cầu triển khai 100% nhà thuốc có máy tính có đường truyền mạng và phần mềm. Các phần mềm này đều đã đón được đơn thuốc điện tử để thực hiện việc bán hàng.

Điều này có nghĩa là tất yếu thời điểm này các cơ sở y tế (khám, chữa bệnh và kinh doanh dược) đều có thể thực hiện được.

Theo số liệu mới nhất Hội Tin học Y tế Việt Nam cung cấp, đến nay, có khoảng 21.287 cơ sở khám chữa bệnh đã liên thông vào hệ thống, trong đó khoảng 10.663 cơ sở khám chữa bệnh công lập (bao gồm 1.007 bệnh viện và 9.656 trạm y tế xã, phường); 9.541 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân (bao gồm các phòng khám đa khoa, chuyên khoa). Khoảng 109 nghìn bác sĩ, y sĩ, người kê đơn thuốc đã được cấp mã định danh. Mới chỉ có khoảng 30% cơ sở y tế liên thông đơn thuốc lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Tuy nhiên, mới có khoảng 208,9 triệu đơn thuốc từ nhóm cơ sở khám chữa bệnh này liên thông. Số đơn thuốc ghi nhận đã bán là khoảng 63,4 triệu, trong đó có hơn 3 triệu đơn ngoại trú mua tại nhà thuốc và hơn 60 triệu đơn cấp phát nội trú.

Trong xu thế của việc chuyển đổi số, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Y tế cần sớm có thêm biện pháp thúc đẩy nhanh mạnh mẽ ngành y tế chuyển đổi số, thực hiện kê đơn điện tử và bán thuốc theo đơn trên phạm vi toàn quốc để nâng cao đời sống sức khỏe cho người dân và phòng, chống kịp thời với đại dịch kháng thuốc.

ĐẶNG LUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khong-quan-ly-chat-ke-don-thuoc-gia-tang-nguy-co-khang-khang-sinh-post871570.html