Truyền thông Mỹ đã đăng tải những bức ảnh về vụ rơi máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ, xảy ra vào tháng 5 năm ngoái; đồng thời tiết lộ trong quá trình tìm kiếm và cứu hộ vụ tai nạn, suýt nữa lại xảy ra va chạm giữa máy bay F-22 và F-35.
Tờ Military Times của Mỹ ngày 14/10 đưa tin, giới truyền thông đã thu được tài liệu điều tra mới cho thấy, hình ảnh rõ ràng về một máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Không quân Mỹ, bị rơi gần Căn cứ Không quân Eglin ở Florida vào năm ngoái.
Tin cho hay, theo kết quả điều tra của Không quân Mỹ về vụ tai nạn diễn ra vào ngày 15/5/2020, chiếc máy bay chiến đấu lắc lư ngày càng nhiều hơn sau khi cất cánh và không thể quay sang trái, sau đó nó đã đâm đầu xuống đất, nhưng phi công kịp thời nhảy dù an toàn.
Tài liệu điều tra này mô tả chi tiết vụ tai nạn và tiết lộ rằng, trong một nhiệm vụ “khó hiểu” sau đó, xác nhận địa điểm máy bay rơi và tìm kiếm cứu nạn phi công, một tiêm kích F-22 khác và một tiêm kích F-35 suýt xảy ra tai nạn.
Theo thông tin, chiếc chiến đấu cơ F-22 do phi công từng là Trợ lý giám sát chiến đấu của Phi đội tiêm kích số 43 điều khiển, có mật danh “Hornet 1”, tham gia tập trận quy mô lớn. Cuộc tập trận có tổng cộng 6 máy bay chiến đấu F-35, 4 máy bay chiến đấu F-16C và 3 máy bay chiến đấu F-22 tham gia.
Khi tiêm kích F-22, mật danh “Hornet 1” cất cánh, trong buồng lái phát tín hiệu cảnh báo và chiếc F-22 bắt đầu nghiêng sang trái, sau khi mới cách mặt đất khoảng 15 mét.
“Tôi nghĩ rằng có thể bộ phận đốt sau của động cơ bên trái đã dừng lại”, phi công nói với các nhà điều tra. Phi công sau đó đã đóng ga và cải bằng máy bay, nhưng không thành công. Theo phi công của một máy bay chiến đấu khác, có mật danh “Hornet 2”, cất cánh ngay sau chiếc “Hornet 1”, hai động cơ của chiếc F-22 “Hornet 1” có vẻ ổn.
Chiếc tiêm kích F-22 “Hornet 1” sau khi rời đường băng, đã leo cao với góc khoảng 45 độ; nhưng lúc này trong buồng lái, một cảnh báo khác xuất hiện, cho thấy lượng khí nạp vào cửa hút của máy bay đã giảm xuống.
Cùng lúc đó, chiếc tiêm kích F-22 “Hornet 1” bắt đầu lệch sang bên trái và bắt đầu đâm xuống, nhưng hầu như không thể can thiệp. Phi công của chiếc tiêm kích F-22 “Hornet 2” phải hét lên qua hệ thống thông tin, mà không cần giữ bí mật: “Hornet 1 sắp rơi, cần cứu hộ khẩn cấp”.
Phi công chiếc F-22 “Hornet 1” sau đó cố điều chỉnh hướng của máy bay chiến đấu một lần nữa; anh ta nói rằng mọi thứ dường như vẫn bình thường và tiếp tục lấy độ cao, nhưng tình hình xấu đi nhanh chóng.
Vào thời điểm này, một cảnh báo khác phát ra với phi công chiếc F-22 “Hornet 1” rằng, máy bay của anh ta đang đối mặt với nguy cơ quá tải trọng lực, vì vậy phi công quyết định đốt cháy nhiên liệu trên không và cố gắng quay lại để hạ cánh khẩn cấp xuống đường băng.
Phi công cho biết: "Khi máy bay đạt độ cao 3.048 mét, máy bay bắt đầu mất kiểm soát, cảm giác như một con lăn. Để cải bằng cho máy bay bay ngang, tôi đã sử dụng cánh tà lớn”.
Nhưng ngay sau đó, phi công nhận thấy độ cao và tốc độ hiển thị trên màn hình buồng lái, cao hơn so với thông báo của chiếc F-22 “Hornet 2” bay phía sau. Lo sợ chiếc F-22 “Hornet 1” không còn đảm bảo an toàn, anh ta quyết định bỏ máy bay để nhảy dù; chiếc F-22 “Hornet 1” sau khi bay lượn vài vòng và đâm đầu xuống đất.
Theo một phi công khác, số máy bay chiến đấu F-35 tham gia huấn luyện cùng, đã nhanh chóng đến hiện trường và gửi tọa độ nơi máy bay rơi cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Phi công chiếc F-22 “Hornet 1” nhảy dù chỉ cách đường chưa đầy 100 m, sau đó lên xe trở về Căn cứ Không quân Eglin.
Thông tin cũng đề cập rằng, một số máy bay chiến đấu F-22 đang bay trên không khi đó, đã suýt va chạm với một số máy bay chiến đấu F-35 đang chỉ huy tại hiện trường. Theo thông tin từ Không quân Mỹ, tổng thiệt hại của vụ tai nạn này vượt quá 202 triệu USD.
Sau hơn một năm giữ thái độ “im lặng” về vụ tai nạn trên, vào tháng 8 vừa qua, Không quân Mỹ đã thông báo lý do khiến chiếc F-22 gặp nạn, là do máy bay được bảo dưỡng không đúng cách, và hệ thống kiểm soát khí vào động cơ bị trục trặc.
Người phát ngôn của Không quân Mỹ từ chối trả lời về việc liệu các máy bay chiến đấu F-22 khác trong tương lai, có gặp phải vấn đề tương tự hay không; cũng như không trả lời liệu kết quả điều tra có thúc đẩy việc kiểm tra hoặc bảo dưỡng thêm loại máy bay chiến đấu này hay không. Nguồn ảnh: USAF.
Cận cảnh khả năng cơ động ở tốc độ cao của chiến đấu cơ F-22 Raptor. Nguồn: USAF.
Tiến Minh