Không quân Mỹ lựa chọn đội hình 4 máy bay chiến đấu tốt nhất đối phó mối đe dọa quân sự Trung Quốc

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Đại tướng C. Brown coi Trung Quốc là một trong những thách thức lớn nhất. Ông yêu cầu Không quân Mỹ 'hành động với cảm giác cấp bách' chống lại mối đe dọa quân sự của Trung Quốc.

 4 loại máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Mỹ hiện nay: F-22. F-35, A-10 và F-16 (Ảnh: Newtalk).

4 loại máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Mỹ hiện nay: F-22. F-35, A-10 và F-16 (Ảnh: Newtalk).

Theo Newtalk ngày 15/11, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Đại tướng Charles Brown nói, sự gia tăng mạnh mẽ về thực lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc là điều cả thế giới đều thấy. Ông chỉ ra rằng Trung Quốc có thể đặt ra những thách thức và mối đe dọa mới đối với nước Mỹ “theo cách mà chúng ta chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến thứ Hai". Ông nhấn mạnh, "tinh giản hóa" và "đổi mới" máy bay chiến đấu luôn là trọng điểm của Không quân Mỹ, hiện đang tích cực nâng cấp và cải tạo trang bị để chống lại Trung Quốc”. 4 loại máy bay chiến đấu có tính năng tốt nhất đã được Không quân Mỹ lựa chọn để tổ chức lại đội bay.

Đại tướng Charles Brown: Trung Quốc là một trong những thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ (Ảnh: USAF).

Đồng thời, Tướng Clinton Hinote, Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, cho biết: “Phi đội hiện nay ngày càng giảm khả năng bay”. Ông hy vọng sẽ loại khỏi biên chế các máy bay chiến đấu F-15C và F-15D vì chúng đã quá tuổi thọ phục vụ. Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch cho loại máy bay cường kích tấn công mặt đất A-10 “nghỉ hưu” vào năm 2030 và tổ chức một phi đội tiêm kích hiện đại khác với F-22, F-35, F-15E, EX và F-16 là chủ lực.

F-35 (trên) và F-22, hai loại chiến đấu cơ tàng hình (Ảnh: Newtalk).

Máy bay F-22 được ra mắt vào năm 2005, F-35 ra mắt vào năm 2016. Hai loại máy bay chiến đấu này là những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 tiên tiến nhất của Mỹ, chúng được sử dụng để phối hợp và hiệp đồng tác chiến với nhau. F-22 là chiếc tiêm kích thiên về không chiến, còn F-35 là máy bay chiến đấu đa năng, có khả năng kết nối với các tài sản khác trên chiến trường.

Clinton Hinote cho biết F-35 "cần phải trở thành nền tảng của lực lượng máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ". Do ngân sách hạn hẹp và khả năng phản ứng hạn chế trước các mối đe dọa phức tạp từ trên không, nên việc sản xuất F-22 đã bị đình chỉ vào năm 2011. Không quân Mỹ hiện có kế hoạch nâng cấp khoảng 180 chiếc máy bay chiến đấu F-22. Vào năm 2030, lực lượng này sẽ thay thế phi đội F-22 hiện có bằng các máy bay chiến đấu tiên tiến hơn.

Máy bay chiến đấu F-16 vẫn được tin dùng (Ảnh: Newtalk).

Charles Brown đã đề cập trong Báo cáo trước Ủy ban Quân lực Hạ viện năm nay rằng ông có kế hoạch thay thế F-22 bằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Không quân “Next Generation Air Dominance, NGAD” (Thế hệ thống trị trên không tiếp theo).

Ông Hinote cũng cho biết: "NGAD là một máy bay chiến đấu với các khả năng và quy trình giúp Không quân Mỹ đảm bảo được ưu thế trên không". NGAD có thể mang nhiều vũ khí hơn, tăng tầm hoạt động và có thể đáp ứng nhu cầu tác chiến tầm xa trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài hoạt động tác chiến "không đối đất", NGAD cũng cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho các chỉ huy không quân và lực lượng liên hợp. Ông Brown ám chỉ NGAD có thể đe dọa hệ thống phòng không mặt đất của đối phương thông qua "bắn chủ động".

Loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 NGAD đang được Mỹ phát triển (Ảnh: USAF).

Không quân Mỹ dự định sử dụng các máy bay F-15E Strike Eagle nâng cấp và F-15EX làm lực lượng tác chiến chủ lực trên không và có kế hoạch mua ít nhất 144 chiếc F-15EX. Loại F-15EX mới nhất được đặt tên là "Eagle II". Máy bay chiến đấu phản lực dòng F-15 là một trong những loại máy bay có khả năng cao nhất và thành công nhất trên thế giới; trong đó F-15E có thể thực hiện các nhiệm vụ "không đối không" và "không đối đất", còn F -15EX được trang bị các thiết bị điện tử hiện đại, bao gồm radar kiểu mới, máy tính nhiệm vụ, màn hình buồng lái kỹ thuật số, hệ thống cảnh báo thụ động / chủ động và hệ thống đảm bảo sinh tồn của Eagle.

F-15EX Eagle II có 2 chỗ ngồi, có khả năng mang tới 22 tên lửa không đối không. Không quân Mỹ nhấn mạnh, F-15EX sẽ là một yếu tố chủ chốt của phi đội máy bay chiến thuật và bổ sung vào kho khí tài của Không quân Mỹ. Ngoài ra, F-15EX còn có khả năng triển khai vũ khí siêu thanh, đem lại cho nó vai trò đáng kể trong các cuộc xung đột trong tương lai.

Chuyến bay đầu tiên của F-15EX đã được thực hiện ngày 2/2/2021. Không quân Mỹ đã tiếp nhận chiếc F-15EX đầu tiên từ Công ty Boeing hôm 10/3. 2 chiếc F-15EX tiếp theo sẽ được bàn giao trước cuối năm nay và 6 chiếc khác dự kiến được bàn giao trong năm 2022.

Máy bay chiến đấu F-15EX sẽ là lực lượng máy bay chiến đấu chủ lực trong thời gian trước mắt (Ảnh: Toutiao).

Loại chiến đấu cơ F-16 mà Không quân yêu thích dự kiến cũng sẽ tiếp tục phục vụ. Sứ mạng của nó đã được chuyển thành nhiệm vụ bổ sung phòng thủ lãnh thổ quốc nội cho phi đội. Ông Hinote nói: “Chúng ta không nhất thiết cần khả năng sinh tồn cao, nhưng cần một máy bay ưu tú và có khả năng, một máy bay chiến đấu đáng tin cậy".

Chiến lược của Không quân Mỹ nhằm đối phó với các mối đe dọa mới, ngoài việc tái cơ cấu lực lượng máy bay chiến đấu, còn kỳ vọng thay thế các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III cũ kỹ, cải tiến và mở rộng phi đội máy bay tiếp nhiên liệu trên không, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và mua được các tên lửa không đối không tầm xa hiện đại.

Hiện nay Không quân Mỹ cần liên kết chặt chẽ với các đồng minh và đối tác. Ông Brown cảnh báo: "Nếu chúng ta không thể xử lý đúng đắn mối quan hệ với giới công nghiệp, cuối cùng chúng ta sẽ dừng bước ở việc sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và sử dụng vũ khí thế hệ thứ tư để chống lại mối đe dọa của vũ khí thế hệ thứ sáu”.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/khong-quan-my-lua-chon-doi-hinh-4-may-bay-chien-dau-tot-nhat-doi-pho-moi-de-doa-quan-su-trung-quoc-post152145.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi