Trang Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) cho biết, vào cuối năm 2023, Không quân Trung Quốc sẽ cho ngừng hoạt động tất cả các tiêm kích J-7 còn trong biên chế.
Chengdu (Thành Đô) J-7 là bản sao được Trung Quốc sản xuất theo giấy phép dựa trên nguyên mẫu tiêm kích MiG-21F-13 của Liên Xô, với động cơ WP-7 nội địa (dựa trên loại R-11F-300).
Năm 1961, chính phủ Trung Quốc đã nhận được giấy phép từ Liên Xô để sản xuất loại chiến đấu cơ này. Tới ngày 17/1/1966, J-7 thực hiện chuyến bay đầu tiên, năm 1967 nó được PLAAF tiếp nhận.
Máy bay liên tục được nâng cấp với các công nghệ tiên tiến và được sản xuất cho đến năm 2013. Trong thời gian gần đây, dòng chiến đấu cơ J-7 chỉ được lắp ráp dành riêng cho xuất khẩu.
Hiện nay J-7 của PLAAF hầu hết đều thuộc biến thể J-7G có tính năng vượt trội so với nguyên bản, chúng được đánh giá vẫn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến tranh hiện đại
Những chiếc J-7G hiện giữ vai trò chủ yếu là tiêm kích phòng không, nằm trong biên đội hỗn hợp cùng với Su-27/30 hay J-10/11 theo kiểu cao - thấp thường thấy.
Khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa J-7G với J-7/MiG-21 nguyên bản nằm ở chiếc mũi nhỏ hơn, sống lưng thuôn gọn và đặc biệt là cặp cánh kiểu "delta kép" với diện tích lớn hơn đáng kể, mang lại khả năng quần vòng tốt hơn.
Nhờ trang bị radar KLJ-6E Falcon (tính năng tương tự EL/M-2001 của Israel) mà J-7G đã lột xác trở thành một chiếc tiêm kích đa năng, vượt ra khỏi khái niệm "đánh chặn" ban đầu, nó có thể tiêu diệt mục tiêu mặt đất bằng các loại bom, tên lửa có điều khiển.
Động cơ của J-7G là loại Liyang Wopen-13F có lực đẩy khô 44,1 kN và lên tới 64,7 kN khi bật tăng lực, cho tốc độ tối đa 2.200 km/h, bán kính chiến đấu 850 km, tầm bay chuyển sân 2.200 km, trần bay 17.500 m, vận tốc leo cao 195 m/s.
Vũ khí của J-7G bao gồm 2 pháo tự động 30 mm Type 30-1 với cơ số chỉ 60 viên đạn, 5 giá treo (2 mỗi bên cánh, 1 chính giữa thân) mang được tải trọng vũ khí 2.000 kg, không cải thiện là bao so với MiG-21 nguyên bản.
Tuy đã có radar mới nhưng năng lực không chiến ngoài tầm nhìn của chiếc J-7G vẫn khá hạn chế, điều đó cũng dễ hiểu khi mũi máy bay rất nhỏ, không thể lắp vừa radar đường kính lớn.
Khi làm nhiệm vụ, tiêm kích J-7G chủ yếu mang tên lửa không đối không tầm ngắn PL-5/7/8/9 sử dụng đầu dò hồng ngoại được kết nối với kính ngắm trên mũ phi công.
Độ linh hoạt của tiêm kích J-7G không thua kém nhiều F-16 nhờ cặp cánh delta kép thiết kế mới, khiến nó rất đáng sợ trong không chiến quần vòng.
Rõ ràng với số lượng lớn, tính năng không tệ, lại nằm trong biên đội tác chiến hỗn hợp với tiêm kích đời cao, J-7G của PLAAF vẫn là một đối thủ rất đáng gờm.
Theo tờ Global Times, việc cho J-7 ngừng hoạt động là bởi chúng sẽ được thay thế bằng các máy bay chiến đấu một động cơ J-10C hiện đại hơn, cũng như các tiêm kích hạng nặng hai động cơ thuộc dòng J-11 và J-16.
Ngoài Trung Quốc, tiêm kích J-7 hiện đang phục vụ tại 11 quốc gia khác, bao gồm Bangladesh, Ai Cập, Zimbabwe, Triều Tiên, Iran, Myanmar, Namibia, Nigeria, Pakistan, Tanzania và Sri Lanka.
Theo thống kê, tại thời điểm năm 2016, PLAAF có trong tay khoảng 500 chiếc J-7, bao gồm cả phiên bản huấn luyện, nhưng chúng đã dần được rút khỏi biên chế từ đó cho tới nay.
Sau khi J-7 ngừng hoạt động, máy bay huấn luyện JL-9 (FTC-2000G - bản phái sinh, được sửa đổi sâu từ chính nó), và tiêm kích hạng nhẹ FC-1 (JF-17) vẫn tiếp tục được sản xuất.