Không quyết tâm thì không thể làm được!
Bộ Giao thông Vận tải được đánh giá là cơ quan triển khai công tác quy hoạch tốt nhất cho đến thời điểm này khi đã hoàn thành 4/5 quy hoạch ngành quốc gia được giao, 1 quy hoạch ngành quốc gia còn lại cũng đã được thẩm định và đang chờ được phê duyệt. Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội tại phiên làm việc sáng qua, 1.3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, nếu không quyết tâm thì không thể làm được.
Nếu phải điều chỉnh quy hoạch thì các bộ phải "ngồi lại" với nhau
Bộ Giao thông Vận tải (GT - VT) là bộ đầu tiên trong danh sách các Bộ mà Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc trực tiếp. Đây cũng là Bộ bảo đảm tốt nhất về mặt tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia được phân công, trong đó 4 quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt gồm: quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển và quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Hiện chỉ còn quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc tuy chưa được Thủ tướng phê duyệt nhưng đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua. Trong khi tổng hợp bước đầu kết quả báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cho thấy một bức tranh tổng thể về công tác quy hoạch vừa chậm trễ tiến độ, vừa nhiều khó khăn, vướng mắc, thì kết quả của Bộ GT - VT được các thành viên Đoàn giám sát đánh giá là một điểm sáng rất tích cực.
Ảnh: Trung Thành
Luật Quy hoạch là luật rất mới và rất khó với nhiều vấn đề “lần đầu tiên” được quy định. Nhấn mạnh điều này, song theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, từ kết quả thực hiện của Bộ GT - VT đặt ra nhiều vấn đề. Tại sao cùng một hệ thống pháp luật về quy hoạch nhưng Bộ GT - VT làm được còn các bộ, ngành khác lại không làm được? Cho rằng có quy hoạch được phê duyệt rồi vẫn tốt hơn là những lĩnh vực đang chơi vơi, chưa có quy hoạch, nhưng ông cũng đặt vấn đề, theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch tổng thể quốc gia phải lập trước, làm căn cứ cho các quy hoạch ngành cấp quốc gia, nhưng hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt, vậy 4 quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông đã được phê duyệt là đúng hay sai? Căn cứ vào đâu để lập? Hiện nay, trong các lĩnh vực chưa có quy hoạch mới được phê duyệt, các dự án đầu tư được duyệt vẫn đang căn cứ vào các quy hoạch cũ. Nhưng quy hoạch cũ có phù hợp với quy hoạch mới đang lập nữa không, hay khi có quy hoạch mới thì sẽ bỏ hết các dự án này đi? "Đây là một bài toán vô cùng khó, cần đánh giá rất tổng thể”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói. Có cùng mối quan tâm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đặt câu hỏi: chất lượng các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông vận tải như thế nào?
Trả lời các vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đặt ra, Bộ trưởng Bộ GT - VT Nguyễn Văn Thể khẳng định “nếu không quyết tâm thì không thể làm được”. Về căn cứ lập các quy hoạch ngành quốc gia khi quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt, Bộ trưởng cho biết, các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông được xây dựng trên cơ sở gồm: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng; những định hướng lớn trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Văn kiện Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước; quy hoạch ngành giao thông hiện tại đang triển khai trên nguyên tắc kế thừa những vấn đề còn phù hợp, những vấn đề đang thực hiện nhưng bất cập hoặc những vấn đề mới cần bổ sung vào quy hoạch được Bộ làm việc với từng địa phương; lấy ý kiến của các chuyên gia và tư vấn…
“Mặc dù chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng quy hoạch này tới đây nếu có khác biệt cũng sẽ không khác biệt nhiều so với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Cá nhân tôi cho rằng, các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông có tính khả thi cao. Khi chúng tôi triển khai trong thời gian vừa qua, các tỉnh cũng rất đồng tình, chưa có phản ánh nào về việc điều chỉnh quy hoạch”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 là bước đột phá giúp Bộ GT - VT hoàn thành được các quy hoạch ngành quốc gia bởi Nghị quyết này đã cho phép thực hiện đồng thời các quy hoạch, quy hoạch nào xong trước thì ban hành trước, sau đó tích hợp lại với nhau.
Về thứ bậc quy hoạch và xử lý các vấn đề nhằm bảo đảm tính đồng bộ của các quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, quy hoạch ngành giao thông nếu có điều chỉnh cũng không lớn vì đã được làm rất kỹ, tính khả thi cao. Liên quan đến quy hoạch sử dụng đất thì ngành giao thông đã tính toán từng lĩnh vực cần nhu cầu đất bao nhiêu và chuyển dữ liệu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định lại. Khi hai Bộ đạt được sự đồng thuận thì đã lồng ghép ngay vào quy hoạch sử dụng đất trình Quốc hội thông qua. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nêu rõ, nếu phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch thì các bộ phải ngồi lại với nhau, xác định rõ vấn đề nào là cốt lõi, phải giữ ổn định, không thể thay đổi và vấn đề nào có thể linh động điều chỉnh. “Nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch ngành quốc gia của ngành giao thông với các ngành lĩnh vực khác, nếu vấn đề cần “linh động” nằm ở Bộ GT-VT thì chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.
Quy hoạch không phải “trên trời rơi xuống”
Đánh giá cao kết quả thực hiện Luật Quy hoạch của Bộ GT - VT, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, mặc dù chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng các căn cứ để Bộ GT - VT lập các quy hoạch ngành quốc gia như vậy là thuyết phục bởi “quy hoạch không phải từ trên trời rơi xuống hoặc làm lại mới hoàn toàn mà phải có sự kế thừa”. Nhất trí với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nêu rõ, không thể chờ quy hoạch tổng thể quốc gia mới ban hành các quy hoạch ngành quốc gia mà tiến hành song song và sau này khi tích hợp lại sẽ có sự điều chỉnh hợp lý trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc cơ bản chứ quy hoạch tổng thể quốc gia không phải là phép cộng đơn thuần giữa các quy hoạch.
Ghi nhận những bài học kinh nghiệm và nhất là quyết tâm chính trị rất lớn của Bộ GT - VT, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị lãnh đạo Bộ tiếp tục rà soát, có báo cáo giải trình cụ thể những vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đặt ra tại cuộc làm việc. Trong đó, cần đánh giá rõ hơn và khẳng định về chất lượng của các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt; tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch khác, việc rà soát, điều chỉnh nếu có, nhất là đối với quy hoạch có liên quan như quy hoạch đất đai, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng…
Công tác quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng vì Bộ GT - VT hiện đang chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiều công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, như: cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1, giai đoạn 2; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các tuyến cao tốc kết nối liên vùng... với số lượng vốn lớn từ kế hoạch đầu tư công 5 năm và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý ngành GT - VT phải tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các quy hoạch có liên quan, trong đó cần nghiên cứu, có quan điểm rõ ràng về quy hoạch đường thủy quốc gia, không nên để các địa phương đề xuất. Tuy Luật Quy hoạch không quy định về quy hoạch đường thủy quốc gia, song theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đứng ở góc độ phát triển của đất nước thì vấn đề này rất cần thiết, nếu không có quy hoạch quốc gia thì ít nhất cũng phải có định hướng cho các địa phương thực hiện. Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nhiều vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông đô thị, hàng không, cảng biển... Với các nhiệm vụ Bộ GT - VT chưa hoàn thành như các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (hiện mới đang xây dựng danh mục trình Thủ tướng phê duyệt) hay việc rà soát các quy hoạch hết hiệu lực, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần khẩn trương hoàn thiện.