Không rầm rộ như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm xe máy âm thầm 'móc bóp' người dân

Câu chuyện bảo hiểm bỗng trở nên nóng, khi diễn viên Ngọc Lan chia sẻ về sự bất công của bản thân trong hợp đồng bảo hiểm có tổng mức phí 700 triệu đồng/năm.

Bảo hiểm xe máy được bán khắp nơi, từ lề đường và cả người bán vé số dạo.

Bảo hiểm xe máy được bán khắp nơi, từ lề đường và cả người bán vé số dạo.

Bộ Tài chính có công văn yêu cầu Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) MVI rà soát các thông tin về hợp đồng BH với diễn viên này, và quá trình tư vấn của đại lý BH.

Vụ ồn ào này chưa biết kết quả ra sao, nhưng thị trường BH Việt Nam đâu chỉ có rắc rối về BHNT, mà ngay cả sản phẩm đơn giản nhất là BH bắt buộc đối với xe máy cũng phát sinh vướng mắc chưa thể giải quyết thỏa đáng. Ngay trên diễn đàn Quốc hội, cũng đã có nhiều kiến nghị tổng hợp từ ý kiến cử tri, đề nghị xem xét bỏ quy định mua BH bắt buộc đối với xe máy tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP ngày 15-1-2021 do còn nhiều bất cập.

Thật trớ trêu, khi BH xe máy được bán khắp nơi, từ tiệm tạp hóa bên đường và cả người bán vé số dạo. Thế nhưng, hầu hết người mua BH xe máy đều ngơ ngác khi được hỏi về quyền lợi của mình?

Xe máy hiện là phương tiện giao thông chiếm đa số tại Việt Nam, song BH xe máy lại có vai trò rất mờ nhạt. Một cuộc khảo sát nhỏ cho biết, khi tai nạn xảy ra, chủ phương tiện và người thân phải lo đi cấp cứu, không có thời gian để lo các loại giấy tờ chứng minh thiệt hại theo yêu cầu để nhận được bồi thường của doanh nghiệp BH.

Do đó, nhiều người mua BH xe máy nhưng không thanh toán được vì không đủ giấy tờ. Giải pháp được đưa ra là phải xem xét sửa đổi quy định pháp lý theo hướng không bắt buộc mua BH, hoặc quy định thủ tục chi trả BH đơn giản nhất để người dân được thuận lợi hơn trong việc hưởng BH này.

Đáng nói, nếu mua BH chủ yếu để đối phó với cảnh sát giao thông khi đi đường bị kiểm tra giấy tờ, tại sao cứ tiếp tục bắt buộc mua BH xe máy? Thực tế, BH ô tô hiện nay làm được nhiều việc có lợi ích thực sự, còn trách nhiệm dân sự của BH xe máy không hiệu quả. Nguyên nhân cốt lõi là lượng xe máy quá nhiều, thủ tục lại phức tạp, gây tốn kém tiền bạc, thời gian cho nhân dân.

Vậy có thể khẳng định, đề xuất bỏ bắt buộc mua BH xe máy hoàn toàn hợp lòng dân. Tuy nhiên, chỉ bỏ việc bắt buộc, còn người dân có điều kiện hoặc thấy việc mua BH là cần thiết, vẫn có thể mua BH. Suốt nhiều năm nay, các quy định sửa tới sửa lui nhưng phía BH vẫn chưa cung cấp được dịch vụ tốt cho người dân. Ngành BH cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm các nước trên thế giới để làm sao cung cấp một dịch vụ tốt cho người dân.

Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát BH thuộc Bộ Tài chính công bố mỗi năm doanh thu BH xe cơ giới khoảng 3.970 tỷ đồng, trong đó ô tô 2.893 tỷ đồng và xe máy 1.076 tỷ đồng. Ước tính số tiền bồi thường BH bắt buộc trách nhiệm nhân sự toàn bộ xe cơ giới khoảng 750 tỷ đồng. Trong đó bồi thường cho ô tô 723 tỷ đồng, còn bồi thường cho xe máy chỉ 27 tỷ đồng. Về dự phòng bồi thường khoảng 308 tỷ đồng, trong đó ô tô 225 tỷ đồng và xe máy 83 tỷ đồng. Bình quân, tỷ lệ chi bồi thường của BH bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô và xe máy) khoảng 19,81%.

Dù nỗ lực kìm hãm, nhưng tai nạn xe máy mỗi năm vẫn nằm ở mức báo động, gây nhiều thiệt hại về sức khỏe, tài sản và tính mạng con người. Muốn thị trường BH xe máy không phải trò chơi mạo hiểm, cần phải giảm phí BH, tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo, thu hẹp loại trừ trách nhiệm BH và gỡ vướng về thủ tục bồi thường.

Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát BH Ngô Việt Trung, khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục áp dụng BH xe máy: “BH bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm cả xe máy là giải pháp tài chính, công cụ chuyển giao rủi ro từ chủ xe cơ giới sang các doanh nghiệp BH. Khi đó sẽ bảo đảm nguồn tài chính cho chủ xe cơ giới để nhanh chóng bồi thường cho nạn nhân, kịp thời ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện an sinh xã hội”.

Nghịch lý mua BH xe máy mà không hy vọng gì ở giá trị của BH xe máy, làm sao lý giải? Ngoài những thủ tục hành chính doanh nghiệp BH cố tình gây khó dễ khiến người dân không muốn đòi quyền lợi, có thể do những vụ va chạm xe máy đều nhỏ và đa số vụ đều tự thỏa thuận. Trong khi đó, số lượng chủ xe ô tô yêu cầu bồi thường và được chấp nhận bồi thường lên đến trên 98%. Thậm chí, người mua BH ô tô còn được nhân viên BH tư vấn cho những “chiêu thức” đòi bồi thường nhanh nhất, nhiều nhất.

Cơ sở pháp lý về tính bắt buộc của BH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũng được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Luật Kinh doanh BH số 08/2022/QH15 mới ban hành. Nghe thì đơn giản nhưng khi đi đòi quyền lợi của BH xe máy sẽ thấy trần ai. Đã có trường hợp tai nạn giao thông xảy ra, nhân viên của doanh nghiệp BH đến xác minh hiện trường, nhưng hơn 10 ngày sau vẫn chưa tạm ứng tiền để bồi thường cho nạn nhân.

Theo quy định của BH xe máy, trong 3 ngày (kể từ ngày nhận được thông báo gây ra tai nạn của người mua bảo hiểm), doanh nghiệp BH phải tạm ứng ngay cho người mua để bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn. Oái oăm thay, quy trình "vòng vo tam quốc" của thủ tục đòi phải có biên bản xác định của cảnh sát giao thông xem lỗi thuộc về bên nào, hay giấy xác nhận của cơ sở y tế… mới được ứng tiền bồi thường, đã gây bức xúc cho cả chủ xe máy gây ra tai nạn và nạn nhân.

Hiện tại, người dân mua BH xe máy để đối phó với cảnh sát giao thông là chính, còn phòng sự cố lại là phụ. Nếu xem xét về mặt tổng lợi ích cho xã hội, BH bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

Vì vậy, nhân lúc Bộ Tài chính chấn chỉnh các công ty BH nhân thọ, cần xem lại BH xe máy một cách cụ thể và minh bạch. Không thể để thị trường bảo hiểm giống như trò chơi mạo hiểm, với con dao lợi ích được doanh nghiệp nắm đằng chuôi còn khách hàng nắm đằng lưỡi.

Tâm Huyền

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/khong-ram-ro-nhu-bao-hiem-nhan-tho-bao-hiem-xe-may-am-tham-moc-bop-nguoi-dan-post103715.html