Không sâu sát, nắm bắt tư tưởng của dân sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Nhiều nhà khoa học chỉ rõ công tác nắm bắt, củng cố về tư tưởng rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 3-8, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới”. Các nhà khoa học, chuyên gia trong công tác xây dựng Đảng đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.

Cần khắc phục các hạn chế

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, khẳng định công tác xây dựng Đảng về tư tưởng là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đây là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ.

Hiện nay, việc xây dựng Đảng về tư tưởng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và đã được nêu rõ tại Đại hội XIII.

Công tác tư tưởng có nơi, có lúc thiếu kịp thời, chưa sắc bén, tính thuyết phục chưa cao; việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên. Thậm chí, một bộ phận đảng viên cũng chưa nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng.

Bên cạnh đó, việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác thông tin và tuyên truyền chưa kịp thời, hình thức chưa phong phú. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi chưa cao, còn nhiều bị động, lúng túng.

Ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TT

Ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TT

Đặc biệt, việc dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời, dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc.

Còn nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), thì nêu về tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Bác Hồ và nhấn mạnh: Lý luận như kim chỉ nam để áp dụng vào công việc thực tế. Từ đó, ông đề nghị tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng về chính trị...

Tại hội thảo, GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nêu một số giải pháp khắc phục bệnh giáo điều trong cán bộ, đảng viên vì nó gây ra những hậu quả tiêu cực, những hệ lụy xã hội phức tạp, thực sự là lực cản xã hội ngăn trở chúng ta phát triển tới trình độ hiện đại...

Tiếp tục làm sâu sắc thêm công tác xây dựng Đảng

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, đánh giá cao nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà lý luận.

Theo đó, các đại biểu có sự thống nhất về khái niệm công tác xây dựng Đảng về chính trị, đó là xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên.

Đối với công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, nhiều ý kiến cơ bản thống nhất là nghiên cứu hoàn thiện lý luận; truyền bá, giáo dục, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch.

Hội thảo tiếp tục khẳng định, làm rõ được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Cùng với đó, các đại biểu đã phân tích, làm rõ được kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong thời gian qua. Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ ghi nhận để tiếp tục hoàn thiện vấn đề này.

Các cá nhân trong cấp ủy cần định kỳ xuống cơ sở

Tại hội thảo, PGS-TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nêu rõ: Các cấp ủy cần phải thực hiện giao ban tư tưởng định kỳ và đột xuất để nắm tư tưởng, phối hợp chỉ đạo xử lý các tình huống tư tưởng, điểm nóng tư tưởng... Đặc biệt, Ban Bí thư cần ra quy định, yêu cầu thường trực cấp ủy các cấp cần định kỳ xuống cơ sở nắm tư tưởng, đối thoại và lắng nghe trực tiếp từ nhân dân, tránh tình trạng “trống rong cờ mở”.

“Những sự kiện xảy ra ở Đồng Tâm, Đắk Lắk trong thời gian qua đều là những việc vô cùng đau lòng. Vì sao khi các thế lực xấu vận động, lôi kéo, tập hợp mà chúng ta không biết, để gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy? Chính vì thế cần phải duy trì giao ban tư tưởng một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, để nắm tư tưởng, tình hình của các cấp, ngành trong xã hội... Hiện nay, tình trạng các đồng chí cấp ủy không xuống sát dân, đối thoại với dân tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến xây dựng Đảng về tư tưởng” - PGS-TS Đào Duy Quát nói.

THANH TÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/khong-sau-sat-nam-bat-tu-tuong-cua-dan-se-tiem-an-nhieu-nguy-co-post745315.html