'Không sợ hãi': Chữa lành những vết thương

Năm tập phim đầu tiên trong dự án 'Không sợ hãi' của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vừa ra mắt trên Galaxyplay đã mang đến nhiều cảm xúc khó quên cho người xem bởi sự chân thực, tình người nhân ái trong đại dịch Covid -19.

Ê kíp chỉ có 1 người

Khi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 4, những con người ở đây và trên khắp đất nước đã làm tất cả để không vô cảm, không chạy trốn, mà đối diện và chiến thắng sự sợ hãi của mình. Series “Không sợ hãi” tập hợp những câu chuyện truyền cảm hứng của không chỉ nhân viên y tế mà còn những người rất đỗi bình thường, sẵn sàng cống hiến, giúp đỡ người khác vượt qua dịch bệnh. Thông qua những thước phim chân thực tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, bộ phim tài liệu này đã mang đến cho người xem những câu chuyện về các nhân vật bình dị, đời thường nhưng mang nguồn năng lượng tích cực, giúp truyền cảm hứng giữa bối cảnh dịch bệnh nhiều đau thương, khó khăn.

Hình ảnh thành viên nhóm thiện nguyện đã cùng nhau góp tiền, góp sức để mang những bình oxy quý giá tới bên người bệnh.

Vào tháng 7/2021, thời điểm dịch bệnh đỉnh điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đưa ra quyết định táo bạo làm phim tài liệu “Không Sợ Hãi”. Với sự giúp đỡ của những người bạn, một mình anh ôm máy quay rong ruổi khắp các ngõ ngách Sài Gòn, Bình Dương, Bình Thuận… trong 3 tháng để ghi lại những thước phim tư liệu quý giá.

Năm tập phim mang đến các chủ đề “Không đứng nhìn,” “Không chạy trốn,” “Không cô đơn,” “Không vô cảm” và “Không bỏ rơi” được đạo diễn – biên kịch Bùi Thạc Chuyên ghi lại cách đây 1 năm, trong những ngày cả nước gồng mình chống dịch, tất cả vì miền Nam yêu thương.

Đó là một bác sĩ Đông y và các điều dưỡng trẻ được điều tới một bệnh viện dã chiến tại Bình Dương. Với số ca nhiễm tăng nhanh, họ phải vượt qua nỗi sợ hãi cá nhân để giúp người bệnh chống chọi với căn bệnh mang nhiều nguy hiểm khó lường

Trước tình hình thiếu hụt nguồn oxy tại Thành phố Hồ Chí Minh, một nhóm thiện nguyện đã cùng nhau góp tiền, góp sức để mang những bình oxy quý giá tới bên người bệnh. Có thể họ không được sinh ra ở đây, nhưng họ đều mang một tình yêu to lớn đối với mảnh đất Sài Gòn.

Những hình ảnh trong bộ phim

Đó còn là những hình ảnh xúc động về hai anh em ở Thuận An, Bình Dương đã xung phong làm tình nguyện viên tại một bệnh viện dã chiến sau khi bị nhiễm COVID. Họ xin vào bệnh viện để được chăm sóc bố nhưng cũng ân cần săn sóc những bệnh nhân không người thân bên cạnh. Khi bố họ chuyển biến nặng, họ đã viết một bức thư tràn đầy thương yêu cho các bác sĩ, mong họ thực hiện ước nguyện giản dị nhưng đầy ý nghĩa cho bố mình.

Khán giả xúc động

Nhiều khán giả nhận xét, phim không đặt nặng yếu tố đau thương mà hơn cả cái nhìn nhân văn, tình người trong đại dịch.

Khi xem phim, không ít khán giả đã liên tục khóc khi nhìn lại những hình ảnh đau thương thời khắc cách đây 1 năm. Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, người từng sốc vì chứng kiến bạn bè, người thân ra đi trong đại dịch Covid -19 không giấu khỏi nỗi xúc động: “Tôi nhớ những người bạn của mình, hôm trước còn í ới gọi điện hỏi thăm nhau, mà hôm sau thì điện thoại đã không ai đáp máy. Tôi nhận ra, cuộc sống này ngắn ngủi quá, nên hãy biết trân trọng hơn những ngày còn ở bên nhau”.

Còn anh Lê Tùng Mậu, một nhiếp anh gia, cho rằng: “Xem phim, nhìn lại những hình ảnh này, để thấy trong mất mát, trong đau thương vẫn còn ấm áp lắm tình người. Tôi cho rằng, góc nhìn nhân văn của bộ phim sẽ dần dần chữa lành những vết thương cho người ở lại”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, thời điểm đó, nhiều lúc ông vừa lái xe vừa cầm máy quay. Ông cảm thấy có trách nhiệm ghi lại những hình ảnh đó và hy vọng ghi chép của mình đưa ra được bài học gì đó...

Những hình ảnh chân thực trong các tập phim khiến người xem xúc động

Đạo diễn - Biên kịch Bùi Thạc Chuyên sinh ra tại Hà Nội. Năm 1995 anh theo học khoa Diễn viên trường đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội, và trở thành diễn viên chính của Nhà Hát Kịch Việt Nam từ năm 1990. Anh bắt đầu làm phim ngắn và phim truyện truyền hình từ năm 1991. Bùi Thạc Chuyên theo học đạo diễn điện ảnh từ năm 1997 đến năm 1999 tại trường đại học Sân Khấu Điện Ảnh.

Năm 2000, với phim tốt nghiệp “Cuốc Xe Đêm”, anh là đạo diễn Việt Nam đầu tiên đoạt giải tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 2000 (Cinéfondation). Anh cũng dựng thư viện phim ngắn, xây dựng thư viện phim đầu tiên ở Việt Nam do Quỹ Ford tài trợ để hỗ trợ nghề nghiệp cho các nhà làm phim trẻ của Việt Nam.

B.Phương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/khong-so-hai-chua-lanh-nhung-vet-thuong-d203731.html