Không tăng học phí năm học mới

Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ và không tăng học phí năm học 2023-2024.

Ảnh: minh họa

Chủ trương không tăng học phí trong năm học mới của Chính phủ nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học, không tăng học phí là thách thức lớn để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định mức trần học phí đến năm học 2025-2026 với mức tăng dần đều. Những trường đã tự chủ, tùy mức độ, được thu tối đa gấp 2-2,5 lần mức quy định. Nghị định này đã thúc đẩy nhiều trường cố gắng tiến tới tự chủ để được thu học phí cao hơn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nhưng từ khi ra đời đến nay, do tác động rất lớn của đại dịch Covid-19, học phí không hề tăng theo nghị định.

Theo nhiều nhà quản lý giáo dục, không được tăng học phí theo dự kiến (từ 10-20%) thực sự là một “cú sốc” với nhiều trường đại học. Bởi từ nhiều năm nay, nguồn thu từ học phí chiếm trên 70% trong tổng thu hằng năm của các trường. Khi nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bị cắt, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ không có hoặc rất ít thì các trường chỉ có thể hoạt động dựa vào học phí của người học.

Không được tăng học phí, nhiều trường buộc phải cắt giảm hoặc hoãn các khoản đầu tư cơ sở vật chất, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành của sinh viên... Các trường vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn khi không có kinh phí tăng lương, phụ cấp cho người lao động, không giữ chân được giảng viên giỏi, chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đứng trên bờ vực đóng cửa.

Lo ngại lộ trình tự chủ đại học khó thành công, nhiều chuyên gia cho rằng, đang có sự hiểu lầm rằng tự chủ đại học đi liền với tự túc nên khi các trường được tự chủ thì bị Nhà nước cắt ngân sách đầu tư. Trong khi ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục đại học ở Việt Nam rất thấp (chiếm 0,27% GDP) so với mặt bằng chung các nước trên thế giới và thiếu vắng nguồn hỗ trợ cho các chương trình mới, nghiên cứu, sáng tạo...

Hầu hết các trường đại học vốn ỷ lại ngân sách Nhà nước, không đầu tư, tập trung cho nghiên cứu khoa học, hợp tác, liên kết chuyển giao khoa học - công nghệ, khi bước sang tự chủ bị hụt hẫng vì không còn được cấp ngân sách và chưa tạo ra được nguồn thu nào đáng kể ngoài học phí của người học.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2023.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là dù học phí được giữ nguyên hay điều chỉnh, thì tổng nguồn lực dành cho giáo dục (bao gồm cả tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất..) cũng cần được giữ vững. Song song với đó, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các đơn vị đề xuất giải pháp hỗ trợ để các trường đại học, nhất là trường tự đảm bảo chi thường xuyên bù phần thâm hụt, khắc phục khó khăn để duy trì chất lượng đào tạo. Ngược lại, các trường cũng phải xây dựng kế hoạch hoạt động và nguồn tài chính đảm bảo lâu dài.

Thiết nghĩ, giáo dục đại học có sứ mệnh thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực bền vững cho đất nước. Do đó, cùng với việc điều chỉnh cách tiếp cận về tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục đại học, kèm theo những chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn, Nhà nước cần tăng tỷ lệ và mức đầu tư cho giáo dục đại học tương đương với các nước trong khu vực và thế giới, phân bổ ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu khoa học tương xứng với năng lực và tiềm năng nhân lực của các trường đại học ở Việt Nam.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khong-tang-hoc-phi-nam-hoc-moi-post465701.html