Không tăng học phí và nỗi lo chất lượng giáo dục đại học

Theo TS. Lê Đông Phương, nếu yêu cầu các trường đại học không tăng học phí, Nhà nước nên có một khoản cấp bù cho việc này.

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Như vậy, đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp các trường đại học không tăng học phí kể từ khi Nghị định 81 có hiệu lực.

Năm học 2023-2024 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp các trường đại học không tăng học phí

Năm học 2023-2024 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp các trường đại học không tăng học phí

Theo TS. Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh tế các gia đình chưa khá lên, việc giữ nguyên mức học phí ở mức độ nào đó tạo điều kiện để sinh viên yên tâm đi học.

Tuy nhiên, với trường đại học lại là vấn đề lớn. Sau 2 năm đại dịch, cộng thêm năm vừa qua, kinh tế chưa thực sự phục hồi, lạm phát tiếp tục tăng, đồng nghĩa nguồn thu từ học phí tuy không tăng nhưng thực chất giá trị giảm, ảnh hưởng nhiều đến trường đại học.

Trong bối cảnh thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên từ 1/7, đã xảy ra mâu thuẫn là nguồn thu không tăng mà nguồn chi tăng lên nhiều.

Đó là chưa kể, hoạt động đào tạo đòi hỏi những khoản chi bắt buộc mua từ nguồn nước ngoài. Với biến động tỉ giá, lạm phát trong nước nên chi phí một số dịch vụ sản phẩm mua từ nước ngoài tăng lên khiến trường đại học vướng vào “vòng xoáy” tiền thu không tăng nhưng tăng khoản chi. Điều này buộc trường đại học phải cắt giảm hoặc tiết kiệm một số khoản. Rõ ràng, hoạt động đào tạo và nghiên cứu sẽ bị ảnh hưởng lớn khi giữ nguyên mức học phí.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải phân tích, nguồn thu các trường đại học hiện nay chủ yếu đến từ học phí. Nguồn thu muốn tăng thì phải tăng quy mô đào tạo. Tuy nhiên, nếu tăng quy mô mà học phí không tăng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo về lâu dài.

“Đầu tư các ngành kỹ thuật thì phải có phòng thí nghiệm, chương trình đào tạo phải gắn liền thực tiễn. Nếu được tăng học phí thì đầu tư tổng thể sẽ tăng lên và chất lượng đào tạo sẽ được đáp ứng”.

Theo TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, không tăng học phí đồng nghĩa chấp nhận chất lượng giáo dục đại học ở mức thấp so với thế giới, không đơn giản ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra mà còn là vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới. Nâng cao chất lượng giáo dục đại học là chiến lược quan trọng và cần phải có cách để chi phí đào tạo một kỹ sư, cử nhân đủ lớn. Chi phí này từ nhiều nguồn khác nhau, không riêng học phí.

Tuy nhiên, việc tăng học phí nằm trong lộ trình để tăng tổng chi phí đào tạo một sinh viên. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng Giáo dục ĐH Việt Nam.

Theo ông Tùng, khi quyết định ngừng tăng học phí mà không có khoản nào bù đắp, đồng nghĩa với chuyện “cam chịu” chất lượng giáo dục thấp 3 năm.

“Khó khăn là nếu không tăng học phí nhưng không có khoản bù đắp thì với mô hình lựa cơm gắp mắm, nhiều tiền dạy kiểu nhiều tiền, ít tiền thì dạy theo kiểu ít tiền. Ví dụ, cùng lắm là gộp 2 lớp làm 1, bớt đi những hoạt động trải nghiệm, vì giáo dục đại học có đặc thù giá bao nhiêu cũng được”, TS. Lê Trường Tùng băn khoăn bài toán chất lượng giáo dục đại học.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, theo TS. Lê Trường Tùng, chi phí đào tạo một sinh viên phải đủ lớn. Chi phí này từ 3 nguồn: học phí, ngân sách nhà nước và tín dụng phù hợp. Tuy vậy, học phí của chúng ta đang ở mức thấp so với mặt bằng chung thế giới, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Trong khi đó chúng ta chưa xây dựng được mô hình tín dụng nên tín dụng chưa đóng tỷ trọng nhất định trong chi phí đào tạo.

TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT

TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT

Từ đó, dẫn đến nghịch lý mặc dù xem giáo dục đại học là dịch vụ nhưng không xuất khẩu được, không “lôi kéo” sinh viên nước ngoài sang học dù chi phí thấp. Bởi chi phí thấp kèm theo chất lượng không đảm bảo nên cuối cùng chỉ giới hạn học đủ môn, đủ tín chỉ để cấp bằng tốt nghiệp.

Nên có khoản cấp bù cho việc không tăng học phí

Chi phí cho hoạt động giáo dục đại học phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đơn cử, câu chuyện đào tạo chất lượng cao, nhờ phòng học, máy lạnh, trang thiết bị tốt hơn nên chi phí cao hơn... cho thấy sự thay đổi tác nhân sẽ ảnh hưởng tới chi phí đào tạo đại học.

Chúng ta hướng đến kinh tế thị trường thì người học là người quyết định chọn dịch vụ giáo dục phù hợp với khả năng, mong muốn và nguồn lực tài chính. Do đó, theo TS Lê Đông Phương, không thể xây dựng một khung giá cố định mà bắt buộc các trường tự quyết định mức chất lượng hoạt động giáo dục đào tạo thế nào và đặt mức giá bao nhiêu. Ví dụ cùng học kế toán nhưng học Trường Đại học Hồng Đức rẻ hơn Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, nếu bị khống chế thu học phí thì các trường không thay đổi được, mặt bằng thay đổi nhưng thu không thay đổi, thực chất trường bị giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới điều kiện đảm bảo dịch vụ chất lượng.

“Nếu nhà nước tuyên bố yêu cầu các trường không tăng học phí, tôi nghĩ tốt nhất nhà nước nên có một khoản cấp bù cho việc không tăng học phí. Trước đây tổng hệ thống giáo dục bình quân mỗi năm được tăng 5% thì nay nhà nước sẽ bù cho khoản 5% đó. Điều này ở mức độ nào đó sẽ đảm bảo chất lượng tối thiểu như trước, tốt hơn việc không được thu học phí tăng thêm”, TS. Lê Đông Phương đề xuất.

Đã đến lúc thay đổi để học phí không còn là nguồn thu chính

Việc đóng học phí là nghĩa vụ và trách nhiệm của người học nhưng không đồng nghĩa họ phải gánh chịu tất cả chi phí, chỉ trừ các trường tư. Tuy nhiên, theo TS. Lê Đông Phương, ngay cả một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... trường tư vẫn có thể nhận được khoản hỗ trợ của nhà nước nếu như không thu học phí quá cao.

Tuy nhiên, ở ta hiện nay với nhiều trường đại học công, đặc biệt được giao tự chủ thì gần như phải chịu hoàn toàn chi phí hoạt động, có nghĩa học phí của người học sẽ là nguồn thu chính. “Đây là bất cập trong quản lý tài chính của giáo dục đại học Việt Nam”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, nếu không bổ sung kinh phí, vài năm nữa lứa sinh viên bây giờ ra trường sẽ thấy hệ quả. Thậm chí hệ quả đã được nhìn thấy trước mắt. Chẳng hạn, theo quy định của Bộ GD-ĐT, chuẩn đầu ra ngoại ngữ yêu cầu với người có bằng đại học là năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam. Tuy nhiên, do kinh phí thiếu hụt nên trường không thể bố trí dạy ngoại ngữ cho các em đạt trình độ đó. Vì vậy, sinh viên phải tìm cách có được chứng chỉ từ các cơ sở đào tạo bên để được công nhận. Hệ quả, sinh viên Việt Nam có năng lực ngoại ngữ kém. Ông Phương cho rằng đây là biểu hiện rõ nhất của việc Nhà nước không cấp đủ kinh phí đảm bảo hoạt động đào tạo, sinh viên thiệt thòi khi gánh chịu gần hết chi phí đào tạo cho mình.

“Nhiều trường đại học một là tăng học phí, nếu không tăng học phí được thì họ phải tìm cách để tăng chỉ tiêu bù vào phần thiếu hụt. Dạy càng nhiều càng đỡ tốn. Như Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, chỉ tiêu năm nay so với năm trước tăng gần gấp đôi, rõ ràng đang bù vào chỗ đó”, ông Phương nói.

TS. Lê Đông Phương

TS. Lê Đông Phương

Đồng ý việc phải thay đổi để thu học phí không phải nguồn thu chính, TS. Lê Đông Phương cho rằng nguồn thu phải đến từ nhiều nguồn.

Thứ nhất là từ nhà nước. Nhà nước tài trợ cho các hoạt động của trường đại học như dạy học, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.... Ông Phương cho biết, ở một số nước, Nhà nước có những quỹ tín dụng cho sinh viên vay. Điều này khác với Việt Nam ở chỗ hiện tín dụng sinh viên chỉ dành cho con em hộ nghèo, trong khi ở các nước, đã là sinh viên đều có thể vay tiền để đi học.

Thứ hai, Nhà nước phải tăng cường đặt hàng các hoạt động nghiên cứu, sản xuất... cho trường ĐH như một hình thức hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, việc đặt hàng phải dựa trên cơ chế thị trường, tức là phải trả giá cao. TS. Lê Đông Phương cho rằng, hiện nay cơ chế cấp kinh phí nghiên cứu cho các trường ĐH còn bất cập vì cấp rất ít. Bởi, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng tiền cấp cho các đề tài nghiên cứu của các trường ĐH hiện nay chỉ cấp bù cho các chi phí phát sinh chứ không thể trả lương vì cán bộ của trường ĐH đã có lương.

Theo ông Phương, Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để trường ĐH có thể bán sản phẩm của mình. Sản phẩm ở đây là sản phẩm hoàn chỉnh, có tính ứng dụng cao. "Hiện nay ngay cả cấp đề tài nghiên cứu cho trường ĐH theo hình thức bắt buộc phải có sản phẩm. Từ nghiên cứu phải ra kết quả, trong khi các nghiên cứu trên thế giới có thể 10 năm thất bại, đến năm cuối cùng mới thành công. Đáng ra trường ĐH cũng phải được cấp kinh phí nghiên cứu có tính rủi ro, phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu thì mới vực dậy hoạt động nghiên cứu của trường ĐH được”, ông Phương nhấn mạnh.

Cuối cùng là cơ chế thuế. Theo ông Phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nếu có đóng góp cho nhà trường ĐH để làm quỹ học bổng hoặc hỗ trợ cho các hoạt động của trường ĐH thì được khấu trừ thuế trước khi hạch toán. Tuy nhiên, hiện nay ở ta không có cơ chế này nên không khuyến khích được xã hội đóng góp cho giáo dục.

TS. Lê Đông Phương nhấn mạnh, Nhà nước phải có được cam kết về nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH giống như đưa hẳn thành luật hay hiến pháp. Chẳng hạn, nhà nước đảm bảo 20% ngân sách cho giáo dục, trong đó 10-15% dành cho giáo dục ĐH. “Phải có khẳng định như vậy mới duy trì được nguồn ngân sách ổn định từ phía Nhà nước cho giáo dục ĐH, chứ hiện nay nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH còn “chập chờn”.

Thêm nữa, để đảm bảo công bằng nên tìm cách thiết kế cơ chế để nâng cao cơ hội đi học cho người học. “Ví dụ, cùng là trường ĐH nhưng những trường ĐH vùng sâu vùng xa như Tây Bắc, Tây nguyên thì nên được cấp kinh phí nhiều hơn để hỗ trợ cho sinh viên ở địa bàn khó khăn thay vì cấp đổ đồng”, TS. Lê Đông Phương đề xuất.

Phương Lan/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khong-tang-hoc-phi-va-noi-lo-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-post1039127.vov