Không thanh toán 50 triệu USD theo yêu cầu của tổng thầu Trung Quốc
'Chúng tôi không thể thanh toán theo nhu cầu vì làm như vậy là trái với hợp đồng', Thứ trưởng Bộ GTVT nói về việc tổng thầu Trung Quốc nói cần 50 triệu USD trước khi bàn giao.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục được dư luận quan tâm khi báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết vẫn còn một số vướng mắc khiến dự án chưa thể xác định thời gian hoàn thành. Đây là dự án đã “trễ hẹn” nhiều lần so với dự tính.
Chạy thử, đánh giá xong mới thanh toán
Trao đổi với Zing về việc tổng thầu Trung Quốc nêu nhu cầu cần 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống trước khi bàn giao, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định “chỉ thanh toán theo đúng điều khoản hợp đồng".
“Họ phải chạy thử, đánh giá xong thì mới được thanh toán tiếp. Chúng tôi không thể thanh toán theo nhu cầu vì làm như vậy là trái với hợp đồng, sẽ bị xử lý ngay”, ông Đông nhấn mạnh.
Trong trường hợp tổng thầu không chấp nhận việc không được thanh toán 50 triệu USD, ông Đông khẳng định có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra, thậm chí họ có thể kiện ra trọng tài quốc tế. Song ông nhấn mạnh Bộ GTVT đang thực hiện đúng theo các điều khoản của hợp đồng.
Trước đó, Ban quản lý dự án Đường sắt cũng ghi nhận những khó khăn về tài chính của tổng thầu, song đơn vị này khẳng định việc đề nghị thanh toán như trên là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của hợp đồng EPC và các phụ lục hợp đồng đã ký.
Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đã cơ bản hoàn thành các mục; đã vận hành thử kỹ thuật một số chuyên ngành thiết bị từ cuối tháng 9/2018 đến tháng 3/2019 và đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công, khắc phục các tồn tại khuyết điểm, tiến hành các thử nghiệm, đánh giá an toàn hệ thống.
Về phía Hà Nội, với nhiệm vụ được Chính phủ giao đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để tiếp nhận bàn giao, đưa vào khai thác vận hành tuyến đường sắt đô thị này ngay sau khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá, kết luận chất lượng công trình đủ điều kiện và cho phép đưa vào khai thác sử dụng.
Hiện, các bên đang khẩn trương thực hiện đào tạo nhân lực, vận hành chạy thử, kết nối hạ tầng giao thông, thông tin tuyên truyền, hoàn thiện kế hoạch bàn giao, tiếp nhận điều chỉnh.
Tuy nhiên, do vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật, đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao chưa thống nhất giữa Bộ GTVT và Tổng thầu của dự án, trong đó có vướng mắc việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước về yêu cầu giảm trừ thanh toán, hoàn tất thủ tục liên quan… nên tiến độ bàn giao, vận hành tuyến liên tục chậm so với cam kết.
Hơn 100 chuyên gia Trung Quốc sắp sang Việt Nam
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng đề cập đến vấn đề vướng mắc khi nhân sự của tổng thầu Trung Quốc thực hiện dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông chưa thể sang Việt Nam do dịch Covid-19. Đây là vấn đề đã được bàn bạc, tính toán 2 tháng nay.
Theo ông Đông, đến nay Thủ tướng đã đồng ý về mặt chủ trương đưa chuyên gia Trung Quốc sang tiếp tục triển khai, thực hiện dự án này, song phải xây dựng các kịch bản, phương án chi tiết.
“Chúng tôi đang làm việc với Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an về vấn đề này. Dự kiến ít ngày nữa sẽ xong. Vì Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc, Bộ GTVT cũng tiến hành thống nhất với Hà Nội về nguyên tắc cách ly, cùng Hà Nội bàn bạc, xây dựng phương án chi tiết về việc đón các chuyên gia này từ cửa khẩu thế nào, kiểm soát, cách ly ra sao”, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.
Ông cho biết thêm các chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam sẽ được tiếp nhận, cách ly theo quy định. Tổng số người sang Việt Nam khoảng hơn 100 người, chia làm 2 đợt.
Trong đó, đợt đầu tiên dự kiến khoảng 50 người, đang cố gắng hoàn thành việc cấp visa trong tuần này, chốt phương án cách ly rồi thông báo lại với phía Trung Quốc để đưa các chuyên gia đến cửa khẩu.
Trước đó, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hiện nay mới có 4 chuyên gia cấp cao của tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có mặt tại Việt Nam.
Ban quản lý dự án đường sắt đang đề nghị đưa 150 nhân sự của tổng thầu từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường bộ do các đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc tạm ngừng khai thác. Những nhân sự này sang Việt Nam sẽ thực hiện cách ly 14 ngày trước khi thực hiện công việc.