Không thấy 3 công khai, Khoa Y (ĐHQG TP.HCM) nói do đã xây dựng website riêng

Từ năm học 2020 - 2021, Khoa Y Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng website dành riêng cho công tác tuyển sinh, trên đó có đăng tải báo cáo 3 công khai.

Được thành lập từ ngày 23/6/2009, Khoa Y - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có sứ mệnh đào tạo nhân lực y tế có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; nghiên cứu, ứng dụng, triển khai thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến; kết nối sức mạnh hệ thống Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và hội nhập quốc tế.

Trong tương lai, Khoa có mục tiêu và tầm nhìn trở thành Trường Đại học Khoa học Sức khỏe tiên tiến và uy tín trong khu vực, cụ thể là đào tạo đa ngành trong khối Khoa học Sức khỏe; Có ký kết hợp tác đào tạo – nghiên cứu với các trường đại học khoa học sức khỏe trong khu vực; thuộc tốp đầu các trường đại học ngành khoa học sức khỏe trong khu vực, …

Hiện Khoa do Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Vạn Phước làm Trưởng khoa; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Trí Phó Trưởng Khoa, phụ trách ngành Dược; Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Quyết Tiến - Phó Trưởng khoa, phụ trách công tác Sau đại học và Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Trưởng khoa thường trực.

Qua tìm hiểu trên website của Khoa Y - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên thấy rằng, tại mục công khai giáo dục, tính đến ngày 24/05/2024, phóng viên thấy khoa chỉ công khai báo cáo 3 công khai từ năm 2015-2016 đến năm 2019-2020, còn các năm học sau đó không có thông tin.

Trong khi đó quy định về việc thực hiện 3 công khai đã được quy định rõ tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Mục công khai giáo dục trên website của Khoa Y - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cập nhật đến năm học 2019-2020 (Ảnh chụp màn hình ngày 24/5/2024).

Trước thực tế trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Anh Vũ Thụy, Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Sau đại học của Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Từ năm học 2020-2021, Khoa Y đã xây dựng website dành riêng cho công tác tuyển sinh để quý phụ huynh và thí sinh thuận tiện theo dõi.

Trên đó, Khoa thực hiện công khai báo cáo 3 công khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề án tuyển sinh, quy chế tuyển sinh, các hướng dẫn dành cho quý phụ huynh, thí sinh theo dõi".

Truy cập vào đường link website dành riêng cho tuyển sinh như Khoa đã thông tin, phóng viên thấy rằng, báo cáo 3 công khai của những năm học gần đây được khoa đăng tải tại mục “Tin tức”.

Tuy nhiên, báo cáo công khai giáo dục năm học 2020-2021 lại được trường đăng tải vào ngày 31/5/2020; báo cáo công khai giáo dục năm học 2021-2022 được đăng tải vào ngày 30/05/2021; còn báo cáo công khai giáo dục của năm học 2022-2023 được đăng tải vào ngày 31/05/2022; báo cáo công khai giáo dục của năm học 2023-2024 được đăng tải vào ngày 28/05/2023. Như vậy, báo cáo 3 công khai của 4 năm học gần đây được Khoa đăng tải vào thời điểm năm học còn chưa bắt đầu.

Ảnh chụp màn hình.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề án tuyển sinh năm 2023 cho thấy, năm 2021, 2022, Khoa đều có số sinh viên nhập học nhiều hơn số chỉ tiêu tuyển sinh ở nhiều ngành (xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức).

Chỉ tiêu tuyển sinh và số nhập học trong 2 năm (2021, 2022) của Khoa Y - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (bảng biểu do phóng viên tổng hợp từ Đề án tuyển sinh năm 2023 của Khoa).

Từ bảng số liệu trên, có thể thấy rằng, năm 2022, ngành Y khoa có 50 chỉ tiêu nhưng có 75 số nhập học, tức số nhập cao hơn khoảng 50% so với chỉ tiêu tuyển sinh; ngành Y học cổ truyền có 30 chỉ tiêu nhưng có tới 64 người nhập học, tức số nhập học cao hơn 100% so với chỉ tiêu.

Đặc biệt, năm 2021, chỉ tiêu của Khoa là 125 nhưng số nhập học lên tới 166 (cao hơn 41 chỉ tiêu, tương đương 32,8%). Đến năm 2022, chỉ tiêu của Khoa là 220 nhưng có tới 241 sinh viên nhập học (số nhập học cao hơn 9,5% so với chỉ tiêu).

Về vấn đề này, thầy Thụy cho hay: “Khoa Y hiện đang đào tạo 5 ngành học thuộc lĩnh vực sức khỏe.

Trong đề án tuyển sinh, Khoa đã nêu rõ, những số liệu nêu ở trên là của phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, không phải số chỉ tiêu và nhập học của lĩnh vực (toàn Khoa).

Như vậy, trong các năm 2021, 2022, 2023, Khoa Y không vi phạm Nghị định 04/2021/NĐ-CP về tuyển vượt chỉ tiêu để dẫn đến xử phạt hành chính. Số lượng nhập học trong 3 năm cụ thể như sau: năm 2021 có 284 em nhập học/280 chỉ tiêu; năm 2022 có 370 em nhập học/555 chỉ tiêu; năm 2023 có 514 em nhập học/555 chỉ tiêu".

Chỉ tiêu và nguồn thu của Khoa có xu hướng tăng

Cũng theo đề án tuyển sinh năm 2023, phóng viên thấy rằng, chỉ tiêu tuyển sinh của trường đang có xu hướng tăng cao, từ 125 chỉ tiêu (năm 2021) lên 220 chỉ tiêu (2022) và tăng lên 555 chỉ tiêu (năm 2023). Năm 2024, khoa cũng dự kiến tuyển sinh 555 chỉ tiêu.

Thầy Thụy thông tin: "Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa qua 2 năm (2022, 2023) đều giữ ổn định là 555 chỉ tiêu mỗi năm, trong đó ngành Y khoa (180 chỉ tiêu), ngành Dược học (50 chỉ tiêu), ngành Răng – Hàm – Mặt (50 chỉ tiêu), ngành Y học cổ truyền (75 chỉ tiêu), ngành Điều dưỡng (200 chỉ tiêu). Riêng năm 2021, do chưa mở ngành Y học cổ truyền và Điều dưỡng nên tổng chỉ tiêu của khoa là 280 chỉ tiêu.

125 chỉ tiêu (năm 2021), 220 chỉ tiêu (năm 2022) là số chỉ tiêu dành cho phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực và phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2021, 2022 ngoài việc sử dụng 2 phương thức trên, Khoa Y còn sử dụng các phương thức khác như kết hợp kết quả thi đánh giá năng lực và kết quả học tập trung học phổ thông; ưu tiên xét tuyển thí sinh 149 trường trung học phổ thông, ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường trung học phổ thông, Xét tuyển dựa vào các kỳ thi quốc tế, Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp đại học ngành gần, ...

Về việc phát triển thành Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, Khoa đã có lộ trình, kế hoạch thực hiện, việc tăng tổng chỉ tiêu của Khoa có nằm trong kế hoạch nhưng việc tăng chủ yếu xuất phát từ việc mở ngành đào tạo mới theo nhu cầu thực tế của xã hội.

Trong thời gian tới, Khoa sẽ đánh giá thêm về nhu cầu nguồn nhân lực đối với các ngành đang đào tạo để có những điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp nhằm góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế nói riêng và xã hội nói chung”.

Qua đề án tuyển sinh những năm gần đây cũng cho thấy, tổng thu kinh phí hoạt động của khoa có xu hướng tăng, từ hơn 40,5 tỷ đồng (năm 2020) lên hơn 56,1 tỷ đồng (năm 2021) và đạt mức hơn 78,8 tỷ đồng vào năm 2022.

Trước thực tế này, thầy Thụy cho hay: “Nguồn thu kinh phí hoạt động chính của Khoa đến từ học phí của sinh viên.

Kể từ năm 2021 khi Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo ban hành, Khoa Y thực hiện thu học phí theo lộ trình học phí của nghị định và gần đây nhất là Nghị định 97/2023/NĐ-CP. Việc nguồn thu tăng chủ yếu là do quy mô sinh viên tăng nhờ mở ngành đào tạo mới.

Bên cạnh đó, Khoa có tổ chức một số khóa đào tạo CME theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên nguồn thu từ hoạt động này không đáng kể”.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khong-thay-3-cong-khai-khoa-y-dhqg-tphcm-noi-do-da-xay-dung-website-rieng-post242981.gd