Không thể bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án chỉ bằng quyết tâm

Những căn bệnh kinh niên của dự án hạ tầng giao thông dùng vốn ngân sách như chậm tiến độ, chất lượng có vấn đề, đội vốn… chắc chắn sẽ được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn hôm nay. Muốn cam kết về tiến độ, chất lượng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phải nhận dạng được các thách thức, rủi ro của dự án, đặc biệt ở khía cạnh kỹ thuật.

Cao tốc, sân bay đều nguy cơ chậm tiến độ

Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan đang triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm, trong đó phải kể đến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành…

Nghiên cứu sử dụng cát biển để làm đường cao tốc

Để giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đã làm việc trực tiếp với các địa phương về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi đổ thải, công bố giá vật liệu cũng như triển khai các thủ tục liên quan để có thể sớm khai thác vật liệu phục vụ cho dự án.

Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu giải pháp sử dụng cát biển để thay thế nếu bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và môi trường. Vấn đề này đã được ngành giao thông thảo luận trong thời gian qua nhưng hiện chưa có kết quả cuối cùng.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đến nay đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao đạt 99,7% (còn lại 0,655km). Tổng khối lượng xây lắp hoàn thành đến hết tháng 5.2022 đạt khoảng 22.689/56.756 tỷ đồng, tương đương 40% giá trị hợp đồng. Trong đó, 4 dự án kế hoạch hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 58,3% giá trị hợp đồng; 4 dự án kế hoạch hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 37,6% giá trị hợp đồng; 2 dự án kế hoạch năm 2024 sản lượng trung bình đạt 9,2% giá trị hợp đồng.

Đáng lo ngại là hiện tại một số dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 vẫn thiếu khoảng 3,2 triệu m3 đất đắp chưa hoàn thành hồ sơ cấp giấy phép khai thác.

Riêng với 4 dự án thành phần Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành trong năm nay (gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), dù Bộ Giao thông Vận tải rất quyết tâm nhưng thực tế là một số vướng mắc của các dự án này lại ngoài tầm xử lý của ngành và cần đến sự vào cuộc của Bộ Xây dựng cũng như các địa phương nơi dự án đi qua. Ví dụ, thời gian qua có hiện tượng các nhà thầu thi công cầm chừng để “bớt lỗ” vì giá nguyên vật liệu tăng mạnh nhưng nhiều địa phương lại chậm công bố giá các yếu tố đầu vào, chỉ số giá xây dựng và việc điều chỉnh giá hợp đồng cũng gặp nhiều vướng mắc.

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đi qua 12 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài khoảng 729km cũng đang được gấp rút triển khai. Mặc dù khối lượng công việc rất lớn song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ các thủ tục để phê duyệt đầu tư toàn bộ 12 dự án trước ngày 30.6.2022, phấn đấu giải phóng mặt bằng 70% diện tích trước ngày 20.11.2022 và khởi công toàn bộ các dự án trước ngày 30.12.2022. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận một số địa phương vẫn đang lúng túng trong giải phóng mặt bằng.

Nếu không bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch thì tiến độ dự án chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Đây chính là thực tế của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Dù đã được tách thành một dự án riêng để thuận tiện trong triển khai song đến nay, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chưa xong trong khi Quốc hội yêu cầu sân bay Long Thành phải đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đối với dự án thành phần 3 - dự án chính, gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không, mặt bằng còn hiện tượng “xôi đỗ” nên nhà thầu chưa phát huy hết năng lực san nền trên toàn bộ dự án. Tường rào ranh giới cho toàn bộ 5.000ha chưa được xây dựng tiềm ẩn nguy cơ tái lấn chiếm. Hạng mục đường công vụ chính (tuyến số 1 và số 2) mới đang kiểm đếm nên tiềm ẩn nguy cơ không có mặt bằng để khởi công vào tháng 12.2022 và ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án.

Hà Tĩnh tập trung giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Ảnh: Văn Đức

Chỉ quyết tâm thì không đủ!

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, các chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng, muốn cam kết bảo đảm tiến độ, chất lượng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải phải nhận dạng được hết các thách thức, rủi ro của từng dự án, nhất là ở khía cạnh kỹ thuật.

Ví dụ, khi làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 ở đồng bằng sông Cửu Long, khó khăn lớn nhất là xử lý nền đất yếu. Xử lý theo kiểu cũ (bằng cọc bác thấm, cọc cát…) phải chờ thời gian nhất định mới đạt được kết cấu, thậm chí là hàng năm. Muốn làm nhanh, phải sử dụng công nghệ mới, tức là chấp nhận tăng vốn chứ không phải cứ quyết tâm chính trị là được.

Một thách thức lớn khác ở đồng bằng sông Cửu Long là vật liệu. Theo tính toán, năm 2023, dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau cần khoảng 10 triệu m3 cát đắp, 6 tháng đầu năm 2024 cần 5,5 triệu m3 cát đắp. Trường hợp không bố trí đủ nguồn cung cấp sẽ có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Các chuyên gia cho rằng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải phải nhận diện được các thách thức này mới tìm ra được giải pháp khả thi để bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/khong-the-bao-dam-tien-do-chat-luong-du-an-chi-bang-quyet-tam-i291553/