Không thể chần chừ

Thế giới vừa trải qua một tháng 9 nóng nhất trong lịch sử khi nền nhiệt trung bình toàn cầu đã tăng 0,05oC so với mức kỷ lục ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Trước tình trạng biến đổi khí hậu đang 'tăng tốc', tại sự kiện mang tên Countdown (Đếm ngược) được phát trực tuyến vừa qua, các nhà hoạt động vì môi trường, nghệ sĩ, người nổi tiếng và chính trị gia đã kêu gọi thế giới đoàn kết để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu.

Thế giới vừa trải qua một tháng 9 nóng nhất trong lịch sử khi nền nhiệt trung bình toàn cầu đã tăng 0,05oC so với mức kỷ lục ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Trước tình trạng biến đổi khí hậu đang “tăng tốc”, tại sự kiện mang tên Countdown (Đếm ngược) được phát trực tuyến vừa qua, các nhà hoạt động vì môi trường, nghệ sĩ, người nổi tiếng và chính trị gia đã kêu gọi thế giới đoàn kết để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu.

Chương trình sử dụng hình ảnh vệ tinh để quan sát xu hướng khí hậu trên Trái đất của Liên hiệp châu Âu (EU) đã ghi nhận, trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ tháng 9-2019 đến tháng 9-2020, Trái đất có mức nhiệt cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 1,30C. Đây là dấu hiệu đáng báo động, bởi mức nhiệt này gần với ngưỡng 1,50C, vốn được cảnh báo là có thể gây ra những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nền nhiệt “đặc biệt cao” ở phía bắc Xi-bia khi khu vực này cùng phần lớn khu vực Vòng Bắc Cực đã chứng kiến khí hậu ấm bất thường trong nhiều tháng trước đó. Khu vực Trung Đông trải qua những tháng nắng nóng, với mức nhiệt cao chưa từng ghi nhận tại Thổ Nhĩ Kỳ, I-xra-en, Gioóc-đa-ni... Mức nhiệt ban ngày cao nhất đạt 490C ở Lốt An-giơ-lét (Mỹ) và nắng nóng gay gắt khiến khắp bang Ca-li-pho-ni-a của Mỹ phải chứng kiến năm trong số sáu trận cháy rừng lớn nhất lịch sử của bang này. Trong khi đó, khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương lại chịu tác động của hiệu ứng làm mát từ hiện tượng La Ni-na. Biến đổi khí hậu đã làm gián đoạn các mô hình thời tiết. Điều này thể hiện qua việc mặt trời rọi nắng nhiều hơn xuống dải băng Greenland, làm băng tan và “bổ sung” nước cho đại dương nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong 12.000 năm qua. Lượng băng ở biển Bắc Cực đã giảm bốn triệu km2 (mức thấp thứ hai trong lịch sử) trong tháng 9 vừa qua.

Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu năm 2015 yêu cầu các quốc gia sẽ cùng hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức “thấp hơn” 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, kể từ khi thỏa thuận được ký kết, lượng khí phát thải tiếp tục tăng và nhiều phân tích đã cảnh báo nền kinh tế toàn cầu cần được cơ cấu lại với ưu tiên tăng trưởng xanh. Khi nhiệt độ Trái đất mới chỉ tăng thêm 1oC, hành tinh của chúng ta đã phải đối mặt những trận cháy rừng, hạn hán và siêu bão thường xuyên và dữ dội hơn. Trong khi đó, thế giới đang đứng trước những thách thức, đó là tình trạng biến đổi khí hậu và sự bất bình đẳng trong phát thải khí các-bon. Một thực tế đáng quan tâm là, 1% số người giàu nhất thế giới phát ra khí thải các-bon cao hơn gấp đôi so một nửa số dân nghèo nhất toàn cầu, khoảng 3,1 tỷ người. Ngoài ra, các nước giàu cũng đã ngốn tới một phần ba “ngân sách các-bon”, ngưỡng phát thải chấp nhận được để không gây biến đổi khí hậu ở mức nguy hiểm. Điều này không chỉ dẫn đến sự bất bình đẳng kinh tế cực đoan gây chia rẽ trong xã hội, mà còn làm trì hoãn các nỗ lực xóa đói nghèo trên thế giới, chưa kể cái giá phải trả là làm cạn kiệt “ngân sách các-bon”. Một số nhà phân tích cho rằng, không thể giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu nếu không ưu tiên bình đẳng kinh tế.

Là một trong những khu vực đi đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, các nước EU trong nhiều năm qua đã thúc đẩy tiến trình chuyển đổi “xanh”. Nghị viện châu Âu (EP) mới đây đã biểu quyết thông qua mục tiêu giảm ít nhất 60% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở EU vào năm 2030. Mục tiêu này tham vọng hơn so với đề xuất giảm 55% của Ủy ban châu Âu (EC) và để đạt được, một số thành viên EU sẽ phải nỗ lực nhiều hơn các thành viên khác. Hiện, khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU chỉ giảm 25% so mức ghi nhận năm 1990. Mục tiêu mới dù khả thi về kinh tế, nhưng sẽ cần đến chính sách mạnh tay hơn trong nhiều lĩnh vực, như siết chặt tiêu chuẩn khí thải ô-tô và tăng phí các-bon trong công nghiệp, hàng không, đồng thời sẽ cần những đầu tư khổng lồ.

Kể từ cuối những năm 1970, nền nhiệt toàn cầu đã tăng lên 0,2oC mỗi thập kỷ. Trong 20 năm qua, có tới 19 năm thế giới ghi nhận mức nhiệt kỷ lục, kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thống kê một cách chính xác vào cuối thế kỷ 19. Trước những đòi hỏi cấp bách về chống biến đổi khí hậu, các nhà tổ chức chương trình Countdown đã đặt ra mục tiêu kêu gọi các chính phủ và người dân cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ tới và không phát thải khí các-bon vào năm 2050. Các mục tiêu mà nhiều nước, nhiều khu vực đưa ra cho dù là tham vọng, song cũng cho thấy thế giới không còn thời gian cho sự chần chừ, bởi đồng hồ cũng đang “đếm ngược” tới thời điểm “hành tinh xanh” không thể chịu đựng thêm nữa nếu không hành động quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

HÀ ĐAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/khong-the-chan-chu-620203/