Không thể chủ quan
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023 - dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội và là mức phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Thành công này có được, theo nhận định của đại diện Tổng Cục thống kê là bởi trong năm 2024, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả đã góp phần kiểm soát lạm phát.
Công tác quản lý, điều hành giá, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ cũng được chú trọng tăng cường. Việc điều hành giá các mặt hàng do nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường một cách thận trọng. Các chính sách hỗ trợ thuế, phí, lệ phí cũng được thực hiện tương đối hiệu quả trong năm 2024.
Năm nay, mục tiêu kiểm soát lạm phát đã được Quốc hội thông qua là khoảng 4,5%. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này không quá nặng nề nhưng cũng không thể chủ quan vì bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước cũng như những tác động bên ngoài vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể tạo áp lực lên lạm phát.
Cụ thể, đối với trong nước là chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu có thể tăng theo giá thế giới. Các biến động của tỷ giá cũng có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng tăng. Các gói kích cầu, hạ lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công một mặt giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng có thể gây sức ép lên mặt bằng giá nếu cung tiền không được kiểm soát hợp lý.
Ngoài ra, việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa do nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, giáo dục theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí vào trong giá thành phẩm cũng có thể sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2025.
Các yếu tố bên ngoài có thể tác động đến lạm phát năm 2025 là xung đột quân sự tiếp tục leo thang, diễn biến khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ thương mại, nợ công và thâm hụt ngân sách gia tăng.
Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia, có thể tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng, làm gia tăng chi phí vận tải, tác động đến giá cả hàng hóa trên thế giới và gây ra rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Việc bảo hộ thương mại, rào cản thương mại sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại, phá vỡ sự ổn định kinh tế toàn cầu, có thể gây ra đợt lạm phát mới, làm chậm tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao trở lại.
Năm 2025 là năm bứt phá về đích Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; do đó, ngoài mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%, nước ta còn đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Để có thể đạt được mục tiêu này, điều quan trọng là cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất.
Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng linh hoạt, kịp thời. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến. Ngoài ra, cần theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta để chủ động có phương án ứng phó với các tình huống phát sinh.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khong-the-chu-quan-post401389.html