Không thể chủ quan với lao phổi

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều người bệnh trẻ tuổi mắc lao phổi. Một trường hợp điển hình, chị N.M.H. (24 tuổi ở Hà Nội) tới thăm khám tại Bệnh viện trong tình trạng đau ngực, sốt, tổn thương phổi kèm tràn dịch màng phổi.

Bệnh nhân cho biết, cách đây 2 tháng, chị vô tình phát hiện tổn thương đỉnh phổi trong lần khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ nghi ngờ do lao nên chỉ định chị làm xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao, tuy nhiên, vì chị không ho, không khạc được đờm nên xét nghiệm âm tính, khi đó bác sĩ chẩn đoán viêm phổi và kê thuốc uống.

Tuy nhiên, điều trị nhiều ngày không đỡ, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám lại. Tại đây, kết quả xét nghiệm phát hiện vi khuẩn lao, các bác sĩ chẩn đoán xác định người bệnh mắc cùng lúc lao phổi và tràn dịch màng phổi do lao.

Một trường hợp khác, bệnh nhân N.T.A. (20 tuổi, ở Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do gần 1 tháng trở lại đây luôn trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút cân nhanh, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm về đêm, ho có đờm… Tại Bệnh viện, người bệnh được chẩn đoán lao phổi có tổn thương thâm nhiễm phá hủy hang.

TS Vũ Viết Sáng - Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức của Bệnh viện cho biết: Thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều người bệnh trẻ tuổi mắc lao phổi. Lý do có thể do môi trường làm việc không đảm bảo, tập trung đông người trong một không gian hẹp, kín, nhiệt độ ẩm thấp. Đây là điều kiện thuận lợi làm vi khuẩn lao phát triển và lây lan mạnh. Bên cạnh đó, lối sống, ăn uống, vận động không khoa học làm giảm sức đề kháng khiến vi khuẩn lao dễ tấn công và gây bệnh. Cần phải nhấn mạnh, lao phổi nếu không phát hiện, điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong... Điều trị giai đoạn muộn khó khăn và có thể kéo dài nhiều tháng. Người bệnh có thể phải điều trị nhiều năm do tổn thương nặng nề ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, nguy cơ kháng thuốc.

Không chỉ xuất hiện tình trạng người trẻ tuổi mắc lao phổi, theo các chuyên gia, số ca mắc lao phổi ở trẻ em cũng không hề hiếm.

ThS.BS Nguyễn Phương Thảo - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, tại bệnh viện, mỗi năm phát hiện và điều trị khoảng 70 - 80 ca bệnh lao, trong đó lao phổi, lao màng phổi chiếm 45%. Hầu hết các trường hợp xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và bệnh xảy ra trong vòng 2 năm sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Tỷ lệ nhiễm lao cao ở những trẻ em phơi nhiễm. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sống trong gia đình có người bị lao cao hơn so với trẻ sống trong gia đình không mắc bệnh lao.

Thực tế, bệnh lao trong đó có lao phổi vẫn là gánh nặng bệnh tật đối với nước ta, bằng chứng là theo các thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao trong 2 năm 2020 - 2021 tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.

Dù nguy hiểm như vậy nhưng bệnh lao hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm. Hơn thế nữa, phòng bệnh hơn chữa bệnh, có thể dùng một số biện pháp đơn giản để ngăn ngừa bệnh lao ở trẻ em và cả gia đình và biện pháp đầu tiên cần kể đến là tiêm vaccine.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-the-chu-quan-voi-lao-phoi-5720458.html