Không thể có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển nếu thiếu nhân lực chuyên môn cao
Theo các chuyên gia, chúng ta đang có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển ngành công nghiệp tỷ USD - công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu nhân lực có chuyên môn cao và chưa có nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành này.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT (Bộ TT&TT) cho biết, bên cạnh những lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, có hệ thống khu công nghệ cao tập trung, có cộng đồng doanh nghiệp ICT đông đảo và đa dạng, có nhiều Việt kiều ở các nước phát triển là các chuyên gia về vi mạch, bán dẫn... Việt Nam vẫn đang gặp một số khó khăn nhất định trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhất là vấn đề đào tạo nhân lực.
Cụ thể, chúng ta chưa có chiến lược, đề án quốc gia về phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn. Chiến lược này hiện đang trong quá trình xây dựng.
Bên cạnh đó, các trường đào tạo chủ yếu mới có kế hoạch xây dựng chuyên ngành đào tạo cho vi mạch bán dẫn. Vì vậy, hoạt động đào tạo kỹ sư vi mạch chính quy hiện còn thiếu và cần kế hoạch tổng thể để phát triển và bổ sung trong giai đoạn tới.
Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, chương trình, giáo trình đào tạo cũng như cơ sở vật chất và các trung tâm nghiên cứu, phát triển, phòng thí nghiệm phục vi mạch bán dẫn hỗ trợ cho hoạt động đào tạo vẫn còn thiếu. Vấn đề này rất cần có hoạt động hợp tác, đầu tư để nâng cao số lượng và chất lượng trong giai đoạn tới.
Đại diện Bộ TT&TT cũng chỉ ra rằng, để mua bản quyền đối với các phần mềm cấp hỗ trợ thiết kế chip, các công cụ tổng hợp logic và thiết kế vật lý của mạch tích hợp, chương trình mô phỏng để phát triển và môi trường gỡ lỗi hỗ trợ thiết kế logic cho chip, cũng như hệ thống máy tính, xây dựng phòng thí nghiệm phục vi mạch bán dẫn… để giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên có thể tiếp cận, phải cần chi phí rất lớn.
Là một trong những doanh nghiệp lớn, được thành lập từ tháng 3/2022, Công ty cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) đang tập trung vào lĩnh vực bán dẫn với 100 nhân sự ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM) và 50 nhân sự ở nước ngoài (Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)).
Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty cổ phần Bán dẫn FPT cũng chia sẻ, chúng ta đang rất thiếu nhân lực ngành bán dẫn, đồng thời chưa có nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành này.
Mới đây, Trường Đại học FPT đã công bố thành lập Khoa Vi mạch bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Thu hút nhân tài, làm động lực phát triển mới
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, trong dự thảo Chiến lược phát triển vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, nội dung tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực vi mạch là một nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, dự thảo đưa ra các giải pháp, như phát triển nguồn nhân lực vi mạch trong nước là chủ đạo dựa trên nền tảng giáo dục STEM, nguồn nhân lực nước ngoài là quan trọng để dẫn dắt, thu hẹp khoảng cách của Việt Nam tiếp cận và làm chủ công nghệ vi mạch bán dẫn.
Đồng thời, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia bán dẫn người nước ngoài, trong đó có Việt kiều, phối hợp với các trường đại học hàng đầu để xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo về vi mạch, bán dẫn, thiết kế vi mạch, kỹ thuật điện tử.
Khuyến khích các trường, đặc biệt là các trường đại học, như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông… mở đào tạo chuyên ngành vi mạch, bán dẫn, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước và thế giới; có chính sách khuyến khích thu hút sinh viên theo học chuyên ngành vi mạch bán dẫn (học bổng, trợ cấp…).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực CNTT, mục tiêu đến năm 2030 có thêm từ 30.000-50.000 kỹ sư vi mạch, bán dẫn, thiết kế chip. Đồng thời, tăng cường đầu tư các phòng nghiên cứu, phát triển về vi mạch bán dẫn tại các trường đại học để đào tạo, nghiên cứu…
Phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, không thể có một ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển nếu thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ, chuyên môn cao. Chúng ta đã lựa chọn nguồn tài nguyên vô tận là trí tuệ, cùng với huy động, kết nối, hợp tác để thu hút nhân tài, làm động lực phát triển mới. Đây là hướng đi đúng đắn.
"Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường đại học nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao sau đại học để dẫn dắt sự phát triển của công nghiệp vi mạch bán dẫn; tạo ra nhu cầu nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa.
Nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng, phòng thí nghiệm hiện đại nhất cho các trường đại học, doanh nghiệp đào tạo nhân lực, để nắm vững chuỗi giá trị của công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đây là đầu tư cho phát triển, cho tương lai", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.