Không thể có 'Thiên thai' cố định âm nhạc
'Diva, divo 'phá' nhạc Văn Cao trong chương trình Đàn chim Việt'. Đó chính là một trong những cái tít đã được đăng tải trên truyền thông ngay sau đêm nhạc hoành tráng kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Văn Cao. Và 'diva, divo' ở trong các bài báo kiểu này là ai? Ngoài Trần Thu Hà, Tùng Dương, còn có một cái tên rất dễ đoán khác là Thanh Lam, ca sĩ vẫn gây tranh cãi suốt nhiều năm qua với những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn.
Nếu nhìn nhận một cách khách quan, và bằng con mắt chuyên môn, thực sự “Đàn chim Việt” là một chương trình có chất lượng cao. Mỗi ca sĩ tham gia trình diễn đều có mỗi cá tính riêng, diện mạo riêng, màu sắc riêng và họ đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nếu nói không ngoa, có thể dành cho họ những lời khen thực sự. Điển hình là Thanh Lam. Với nhạc phẩm “Thiên thai”, chị đã có những tiết chế nhất định đối với bản thân mình để chuyển tải chân thực nhất ý đồ tác giả và ý đồ của người chuyển soạn (nhạc sĩ phối khí) ca khúc này.
Nhưng cách Thanh Lam hát “Thiên thai” vẫn khiến một bộ phận khán giả lao vào ném đá, với cách nói ác ý là “phá” nhạc Văn Cao. Điều đáng buồn là những nhà phê bình âm nhạc, những người có khả năng minh định cho công luận bằng tiếng nói giàu chuyên môn, lại im lặng. Không phải họ không cảm nhận được cái hay của Thanh Lam mà cơ bản họ ngại. Đối đầu với cộng đồng mạng nhiều khi hung hăng vô cớ, ai mà chẳng ngại. Thế nên, im lặng là thượng sách.
Trung thực mà nói, bản “Thiên thai” trong chương trình “Đàn chim Việt” vẫn giữ đúng chuẩn mực tinh thần mà Văn Cao đã viết tác phẩm này, từ tốc độ, tiết tấu cho tới màu sắc. Không có bất kỳ một phá cách nào trong việc chuyển soạn ca khúc này cả. Và trong nhạc nhẹ, khi một ca sĩ nhận một bài phối, ca sĩ ấy sẽ phải thể hiện tác phẩm đúng trên tinh thần bài phối. Ở trường hợp này, Thanh Lam đã hát “tuân thủ” theo yêu cầu của nhạc sĩ chuyển soạn và do đó, chị cũng không hề phá cách. Cao độ, trường độ, nhịp phách của Thanh Lam ở "Thiên thai" chính là những gì mà Văn Cao đã viết ra, đã thể hiện ra.
Cái đáng nói ở đây chính là sự tương thích với thính giả. Thính giả từ xưa tới nay quá quen với "Thiên thai" qua những giọng hát trong trẻo và họ mặc định luôn là hát "Thiên thai" thì phải theo kiểu đó. Giọng của Thanh Lam không có cái trong trẻo thiên bẩm. Giọng của Thanh Lam dày dặn, giàu nội lực. Không thể nào ép buộc một chất giọng như thế hát dập khuôn những gì khán giả quen nghe nhiều thập niên qua. Và do đó, một bộ phận đã phản ứng quá đà gây nên những tổn thương không đáng có cho một ca sĩ rất có tài năng.
Thêm vào đó, từ xưa tới nay, thính giả quen nghe nhạc Văn Cao ở các chuyển soạn cho dàn nhạc nhẹ hoặc thính phòng với biên chế dàn nhạc rất đơn giản. Còn ở chương trình đàn chim Việt, "Thiên thai" được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng và do đó, cái “quen nghe” của khán giả đã không còn và thay vào đó là cái “lạ tai”. Mà ở Việt Nam, khốn nỗi cứ lạ tai là lập tức bị chê bai. Song, tuy chê bai là quyền cá nhân nhưng việc mạt sát rằng ca sĩ phá hỏng nhạc phẩm lại là việc không nên tồn tại trên không gian truyền thông công cộng.
Chúng ta thường dễ bị sa vào ký ức khi nghe nhạc và gắn chặt cảm xúc của mình vào ký ức ấy. Nhưng âm nhạc là sự phát triển tiếp diễn. Một bản ghi âm một ca khúc được sản xuất ở thập niên 60 thế kỷ XX chắc chắn sẽ khác hẳn với một bản ghi âm cùng ca khúc đó ở thập niên 90 thế kỷ XX, thập niên 2000 hay thời hiện đại này. Bản thân mỗi nhạc sĩ chuyển soạn cũng sẽ hình dung “cơ thể” của ca khúc khác nhau. Như vậy, sẽ không thể có "Thiên thai" nào cố định cả. Mỗi người sẽ có một thiên thai riêng cho âm nhạc mà họ thể hiện. Đó là quyền sáng tạo của nghệ sĩ mà người nghe không thể can thiệp thô bạo bằng các mạt sát trên mạng.
Tất nhiên, người nghe có quyền chê bai, có quyền không thích. Song, chúng ta nên hiểu, chúng ta không phải là người thưởng thức duy nhất. Vẫn còn rất nhiều các thính giả khác có thể có ý kiến trái ngược hoàn toàn.