Không thể để trường phổ thông tư thục 'thích thì công khai, không thì thôi'

Các chuyên gia cho rằng, việc công khai tại cơ sở giáo dục phổ thông vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, cơ quan quản lý giáo dục cần có hình thức chấn chỉnh.

Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 09) Quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 3/6/2024 sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 19/7/2024 thay thế cho Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Trong thông tư 09, có nhiều điểm mới yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai chi tiết từng lĩnh vực để người học và xã hội dễ tiếp cận và tham gia giám sát tốt hơn.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có một số bài viết phản ánh về việc thực hiện công khai tại một số cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là với khối trường tư thục. Qua đó cho thấy, việc thực hiện yêu cầu công khai tại các cơ sở này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Cụ thể như Trường song ngữ quốc tế HoriZon, Trường liên cấp Việt - Úc Hà Nội, Sentia School....

Vì thế, khi Thông tư 09 có hiệu lực dư luận mong muốn cơ quan quản lý giáo dục cũng sẽ bổ sung thêm những phương án để siết chặt hơn việc thực hiện yêu cầu công khai không chỉ riêng khối các trường đại học, cao đẳng mà với cả khối các trường phổ thông. Điều này là đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời để người học, phụ huynh và cộng đồng giám sát tốt hơn đối với các cơ sở giáo dục.

Vai trò giám sát thực hiện yêu cầu công khai của cơ quan quản lý giáo dục địa phương là rất quan trọng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khi đã có các quy định thì các cơ sở giáo dục nên thực hiện nghiêm túc.

Vị này cũng bày tỏ quan điểm rằng, đối với các trường khối phổ thông nếu trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc thì nên có ý kiến với cơ quan quản lý để tìm hướng giải quyết, tháo gỡ, không nên né tránh hoặc cố tình không thực hiện yêu cầu công khai. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chính các cơ sở giáo dục đó kể cả về mặt pháp lý và uy tín, thương hiệu.

 Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Ngai chia sẻ thêm: "Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 09 để thay thế cho Thông tư 36 trong đó có bổ sung một số điểm mới quy định về công khai đối với cơ sở giáo dục vào thời điểm này là rất cần thiết và hợp lý.

Có thể với các trường phổ thông, nhất là khối các trường tư thục sẽ có một số đặc thù riêng nên họ không muốn công khai với xã hội. Thực tế, trước nay khi các quy định chưa được siết chặt thì mạnh trường nào trường ấy làm, không coi đó là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, khi đã có quy định cụ thể thì các cơ sở nên chấp hành nghiêm túc.

Các cơ quan quản lý cũng nên lấy "dấu mốc" là thời điểm Thông tư 09 có hiệu lực thi hành để "siết chặt" lại các quy định. Từ đó yêu cầu tất cả cả các cơ sở giáo dục phổ thông phải thực hiện nghiêm túc. Tránh tình trạng trường nào thích thì công khai, không thì thôi.

Tôi thấy rằng, nếu nhà trường càng công khai, minh bạch thì người học càng dễ tiếp cận để tìm hiểu, từ đó tạo ra niềm tin cho họ. Qua đó, việc công khai, minh bạch là "có lợi cho cả đôi bên", tại sao các trường lại phải né tránh như vậy?".

Nêu lên một số góp ý để việc thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục phổ thông hiệu quả hơn khi Thông tư 09 chính thức có hiệu lực, vị nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát, đôn đốc của các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương.

Theo đó, thầy Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh: "Trong việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò là đơn vị đề ra chủ trương. Còn việc thực hiện đó hiệu quả hay không thì vai trò của cơ quan quản lý giáo dục từng địa phương là yếu tố quyết định. Thông tư 36 cũng quy định rất rõ trách nhiệm của các phòng giáo dục và đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo và Bộ Giáo dục và Đào tạo tương ứng với từng cấp.

Sở cùng các Phòng Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương theo phân cấp quản lý của đơn vị cần tăng cường hoạt động giám sát, đôn đốc các trường và đưa ra các chỉ đạo cụ thể. Điều này là để kịp thời động viên, tuyên dương những cơ sở làm đúng, làm tốt quy định, đồng thời uốn nắn, chấn chỉnh những cơ sở làm chưa tốt".

Cần xử lý nghiêm cơ sở giáo dục cố tình né tránh yêu cầu công khai

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, việc công khai đối với các trường học, đặc biệt là với cơ sở giáo dục phổ thông càng nhiều và chi tiết thì càng đảm bảo yêu cầu cầu minh bạch, dân chủ của cơ sở đó.

Qua đó vị này cho rằng, Thông tư 09 ra đời trong bối cảnh của nền giáo dục trong nước hiện nay là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Đồng thời ủng hộ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm một số lĩnh vực trong thông tư mới để yêu cầu các trường phải công khai tường tận, chi tiết hơn về đơn vị mình.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: Phạm Minh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: Phạm Minh

"Tôi thấy rằng, nếu cơ sở nào thực hiện tốt các yêu cầu này thì nó càng chứng tỏ đó là một cơ sở hoạt động chuẩn chỉ và ngược lại. Lâu nay dù có yêu cầu thực hiện yêu cầu công khai theo Thông tư 36 nhưng nhiều cơ sở giáo dục phổ thông vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Vì thế, khi Thông tư 09 có hiệu lực thi hành, cơ quan quản lý cũng nên có những biện pháp xử lý, đồng thời tăng cường công tác giám sát để các cơ sở thực hiện theo đúng quy định", Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.

Nhận định về một số nguyên nhân khiến các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường phổ thông thường không thực hiện nghiêm túc yêu cầu công khai, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho hay: "Trong quá trình hoạt động, có một số vấn đề "nhạy cảm" nên có thể nhà trường họ sẽ ngại công bố.

Cũng có nhiều cơ sở sợ để "lọt" những thông tin bất lợi, nếu bị cơ quan quản lý họ thanh tra, kiểm tra thì sẽ vướng vào những phiền toái. Vì thế, trong tâm lý của nhiều trường, họ đang muốn "càng tránh càng tốt".

Qua đó vị này cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu và bổ sung thêm các hình thức xử lý có tính răn đe để các cơ sở tự giác thực hiện nghiêm túc các yêu cầu. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với việc thực hiện yêu cầu này của các cơ sở giáo dục.

Không công khai đầy đủ dễ ảnh hưởng đến niềm tin của người học

Phân tích dưới góc độ tâm lý phụ huynh, học sinh có nhu cầu tìm hiểu về nhà trường, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho rằng, khi các trường đều nghiêm túc thực hiện yêu cầu công khai, nếu có cơ sở giáo dục nào không thực hiện thì điều này có thể tác động đến niềm tin của người học khi có ý định đăng ký vào trường.

"Trong việc này chúng ta có thể hiểu được "cái khó" của các nhà trường là nếu đưa ra những thông tin không tốt thì một mặt có thể bị cơ quan quản lý "để ý". Ngoài ra, những thông tin bất lợi về tuyển sinh có thể nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyển sinh của nhà trường vào các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, xét về cục diện thì điều này lại có ảnh hưởng rất lớn đến vai trò giám sát cộng đồng và nhu cầu xác thực thông tin của người học với cơ sở giáo dục đó", Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan nêu quan điểm.

 Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: T.D

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: T.D

Qua đó, vị lãnh đạo Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ nhấn mạnh, có thể, một số thông tin về trường là chưa hoàn hảo, nhưng nếu các trường cố gắng khắc phục để nâng cao chất lượng thì chắc chắn đạt được con số năm sau tốt hơn năm trước, phụ huynh, học sinh họ cũng nhìn thấy sự nỗ lực của nhà trường qua các con số như vậy.

"Khi thực hiện công khai, có thể con số chưa thực sự "đẹp" nhưng là chuẩn xác thì niềm tin của cộng đồng vào cơ sở giáo dục đó sẽ nhiều hơn so với việc các trường cứ cố giấu giếm đi các con số", Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan nhận định.

Qua đó, theo vị Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ, việc tăng cường hơn nữa sự giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện đăng tải thông tin công khai là điều nên làm và cần diễn ra thường xuyên.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khong-the-de-truong-pho-thong-tu-thuc-thich-thi-cong-khai-khong-thi-thoi-post244045.gd