Không thể đòi hỏi tất cả doanh nghiệp đều 'sống'

Chỉ một tháng nữa, bắt đầu từ 1/1/2020, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường sẽ chính thức được xóa bỏ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Khi đó giá đường trong nước sẽ giảm 15 - 20% và hơn 20 nhà máy nguy cơ phá sản. Theo các chuyên gia, hãy để ngành mía đường tự vận động theo cơ chế thị trường, không thể đòi hỏi tất cả doanh nghiệp đều 'sống' được.

Nếu năm 2020 thực hiện ATIGA, giá đường trong nước sẽ phải giảm thêm 15 - 20%.

Nếu năm 2020 thực hiện ATIGA, giá đường trong nước sẽ phải giảm thêm 15 - 20%.

Tồn kho lên đến 650.000 tấn

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện cả nước có 40 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất đường. Vụ sản xuất 2017 - 2018, cả nước có 37 nhà máy đường hoạt động, sản lượng đường 1,47 triệu tấn; trong khi niên vụ 2018 - 2019 sản lượng 1,17 triệu tấn. Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước, sản lượng mía ép giảm 21%; năng suất mía cũng giảm so với kế hoạch, chỉ đạt 63,42 tấn/ha.

VSSA cũng đưa ra con số ước tính lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ năm 2018 đến cuối tháng 9.2019 khoảng trên 800.000 tấn. Số này tương đương với khoảng 50% nhu cầu cả nước, khiến đường trong nước không tiêu thụ được, tồn kho lên đến 650.000 tấn. Điều này khiến cung lớn hơn cầu, tạo sức ép gay gắt với ngành này, Quyền Chủ tịch VSSA Cao Anh Đương cho biết.

Tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại khiến giá đường xuống thấp, làm cho giá mía thấp theo, nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sụt giảm lượng mía nguyên liệu.

Bên cạnh đó, một số vùng bị hạn hán, sâu bệnh làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía. Đặc biệt, trong gần 40 năm qua, ngành mía đường vẫn chưa có thay đổi nào đáng kể: trên những ruộng mía, sức người vẫn là chính, tỷ lệ cơ giới hóa rất thấp, đây là điểm nghẽn lớn nhất của ngành mía đường nước ta, đại diện VSSA chỉ rõ.

Trong khi đó, chỉ còn một tháng nữa là tới thời hạn thực thi cam kết Hiệp định ATIGA. Theo đó, sau ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước ASEAN vào nước ta với thuế suất chỉ 5%. Đường của Thái Lan, vốn được bảo hộ, trợ giá rất nhiều từ Chính phủ nước này, nhiều khả năng tràn ngập thị trường nội địa, gây thêm áp lực cạnh tranh không nhỏ.

Để ngành mía đường tự vận động

Theo tính toán của VSSA, nếu năm 2020 thực hiện ATIGA, giá đường trong nước sẽ phải giảm thêm 15 - 20%, 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày sẽ phải phá sản, đóng cửa do không thể cạnh tranh.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, nếu ngành mía đường không còn khả năng trở thành một ngành chiến lược nữa thì chúng ta không nên tiếp tục coi đó là mũi nhọn. “Ngành mía đường suốt 15 - 20 năm qua luôn ỷ lại và nhận sự bảo hộ quá lớn của Nhà nước nên không có đổi mới, cải cách và gần như tách rời vùng nguyên liệu. Hãy để ngành mía đường tự vận động theo cơ chế thị trường, nếu doanh nghiệp nào đã lỗ và lỗ kéo dài nhiều năm thì nên kiên quyết giải thể, không thể đòi hỏi tất cả đều sống được hết”. Vị chuyên gia này nhấn mạnh: ATIGA hay bất kỳ một hiệp định thương mại tự do nào đều là cuộc sát hạch gắt gao với các doanh nghiệp.

Trước tình thế này, theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) Đào Thế Anh, cần phải tái cơ cấu ngành mía đường. Quy hoạch gọn lại, cơ giới hóa khâu làm đất, cơ giới hóa thu hoạch vì hiện nay 90% vẫn là thu hoạch thủ công. Vùng quy hoạch phải tránh được nguồn nước để không làm giảm trữ lượng đường. Ông cho rằng nên ổn định diện tích từ 250.000 - 280.000ha để bảo đảm lượng đường tối đa vượt đỉnh 2 triệu tấn/năm và chọn giống mía phù hợp.

Hiện nay, Thái Lan chỉ có khoảng 80 giống mía, Trung Quốc 140 giống, trong khi Việt Nam có đến vài trăm giống. Việc có quá nhiều giống mía và không tập trung, không chọn lọc dẫn đến trữ lượng đường kém, bị pha trộn. Ngoài ra, đa dạng hóa chế biến các phụ phẩm cũng là cách tạo thêm giá trị gia tăng, duy trì được năng lực cạnh tranh của ngành đường. Chúng ta chưa khai thác triệt để vấn đề này trong khi ở Trung Quốc nhiều năm nay đã đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, thêm nguồn thu từ các phụ phẩm, Phó Giám đốc VAAS Đào Thế Anh kiến nghị.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hùng Dương - thành viên của VSSA đề xuất: “Sau khi bỏ hạn ngạch, nếu cho phép nhập đường trắng thì các nhà máy đều chết. Theo tôi, giải pháp trước mắt là áp dụng hạn ngạch nội địa như cách Indonesia và Philippines đã áp dụng thành công để giữ mặt bằng giá mía hợp lý bảo vệ người nông dân”. Theo ông Dương, về lâu dài, cần hỗ trợ nông dân 50% lãi suất đối với việc đầu tư cơ giới, đầu tư ruộng mía... nhằm giữ người dân ở lại với cây mía.

Mặt khác, để ngăn chặn và kiểm soát vấn nạn đường nhập lậu, theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, cần sớm triển khai hệ thống truy xuất ứng dụng công nghệ như QR code hay mã chip để xác định được xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng.

Luật Đầu tư nên đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Có những biện pháp phi thuế quan và hàng rào kỹ thuật để bảo đảm không xảy ra tình trạng “phá giá”, ảnh hưởng đến sản xuất đường trong nước.

Thêm nữa, ngành mía đường và Bộ Công thương phải đưa ra được số liệu đúng với tình hình dựa trên cơ sở năng lực tiêu thụ trong dịp tết sắp tới. Trên cơ sở đó, hạn chế nguồn cung, nguồn nhập vào để cân đối và bảo đảm khả năng tiêu thụ cho mía đường trong nước. Theo ông, đường từ nguồn gốc nhập khẩu chỉ cho phép đưa ra tiêu thụ sau khi vụ ép mía đã kết thúc tối thiểu hai tháng nhằm bảo đảm tất cả đường sản xuất từ mía trong nước được tiêu thụ hết.

Theo daibieunhandan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/khong-the-doi-hoi-tat-ca-doanh-nghiep-deu-song-316082.html