Không thể đồng cảm với hành động phụ huynh đánh bạn học của con

Chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Chế Dạ Thảo nhận định phụ huynh sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề xung đột, mâu thuẫn của con trẻ với bạn bè là sai, không thể đồng cảm.

Ngày 10/2, Zing thông tin về việc nữ sinh N.P.A. (14 tuổi, lớp 8B, trường Tiểu học và THCS Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, Thái Bình) bị bố bạn học cùng lớp hành hung, phải nhập viện cấp cứu.

Nguyên nhân xảy ra vụ việc là vào ngày 5/2, N.P.A. dẫn bạn đến nhà P.L. nói chuyện và đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn nói xấu trên Facebook vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, sau đó ra về.

Phụ huynh em P.L. biết chuyện, lái ôtô chở theo con gái đuổi nhóm học sinh kia và chặn đánh tại khu vực chợ Hệ, xã Thụy Ninh. Đánh gục N.P.A, bố của P.L. tiếp tục điều khiển ôtô xuống nhà em chửi bới.

 N.P.A. khi đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.B.

N.P.A. khi đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.B.

Người bố có thể bị khởi tố tội 'cố ý gây thương tích'

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã để lại bình luận bức xúc với hành động của người bố.

Tài khoản Hà Trang chia sẻ: "Người lớn cư xử như vậy thì con cái biết trông vào ai mà học. Khi còn nhỏ, trẻ lấy hành động, lời nói của cha mẹ mà hoàn thiện tính cách. Bố là người lớn, gặp mâu thuẫn chưa hỏi rõ, chưa nghe hai phía đã đi đánh người thì sau này con trẻ sao tốt được".

Tài khoản Nguyễn Ngọc Quý bình luận: "Chưa chắc con mình đã đúng. Nên xem xét tình hình, giận quá mất khôn. Con mình là nhất, con người ta không là gì".

"Biết là các em nhỏ sai, nhưng đánh tụi nhỏ như thế thì càng sai hơn" là bình luận của bạn Tài Phan.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Công ty luật TNHH hãng luật Hiệp Định (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết việc tấn công trẻ em là vi phạm pháp luật. Nếu có hành vi bạo lực với người dưới 16 tuổi, gây ra tỷ lệ thương tích trên 11%, người bố có thể bị khởi tố tội "cố ý gây thương tích".

Tuy nhiên, nếu nạn nhân không có thương tật, chỉ chấn thương phần mềm thì không thể cấu thành tội danh này, bố của em P.L. có thể bị phạt hành chính vì đánh người khác.

"Phụ huynh em P.L. bực tức khi con gái bị đánh rồi có hành vi bạo lực với em N.P.A. là không đúng. Để bảo vệ quyền lợi của mình mà tấn công người khác là điều pháp luật không cho phép", ông Phước Hiệp nói.

Tiến sĩ Luật học, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng khi con cái mâu thuẫn với bạn bè, người lớn cần khuyên răn, không nên thực hiện hành vi không phù hợp chuẩn mực đạo đức và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ông Cường nhấn mạnh sau khi làm rõ vụ việc và xác định hậu quả thương tật của nạn nhân, trường hợp kết quả giám định thương tích của em N.P.A là từ 11% đến 30%, phụ huynh em P.L. có thể bị xử phạt từ 2 đến 6 năm tù, dựa trên quy định tại Khoản 2, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, dù gia đình nạn nhân không có đơn đề nghị xử lý.

Bạo lực chưa bao giờ là cách xử lý tốt

Đọc thông tin về vụ việc, chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn Kỹ Năng, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), nhận định hành vi bạo lực của người cha trong trường hợp trên xuất phát từ sự yêu thương và mong muốn bảo vệ con cái trước tình huống nguy hiểm, nhưng không kiểm soát được bĩnh tĩnh. Tuy nhiên, nữ thạc sĩ nhấn mạnh việc phụ huynh đưa ra hướng giải quyết bằng bạo lực là sai trái và rất khó thông cảm.

Ngoài bị chẩn đoán chấn thương sọ não, đa tổn thương, theo bà Thảo, nữ sinh N.P.A còn có thể hoang mang, sợ hãi và mất một khoảng thời gian nhất định để trở lại nhịp sống bình thường. Nếu sự hoảng loạn vượt quá kiểm soát, nạn nhân cần sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý.

Bên cạnh đó, bà Thảo cũng cho biết hành động bạo lực của người bố sẽ dẫn đến 2 chiều tác động khác nhau đối với con cái - cụ thể là em P.L..

"Trường hợp người con cảm thấy xấu hổ với hành động bố mình đã làm, từ đó mất niềm tin, gia đình rất khó tạo ra những tác động giáo dục sau này. Nếu đồng tình với cách xử lý của phụ huynh, P.L. tiếp tục lựa chọn sử dụng bạo lực để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống mà không quan tâm đến hậu quả", thạc sĩ Thảo nói.

Theo bà Thảo, khi con cái có mâu thuẫn với bạn bè, phụ huynh không nên xử lý bằng bạo lực mà cần hỗ trợ, tư vấn và đồng hành với trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân, đồng thời nhìn nhận đa chiều, xem xét nguyên nhân từ đâu để cùng các lực lượng giáo dục khác như gia đình đối phương, nhà trường giải quyết.

"Bố, mẹ cần cho con cái thấy rằng bạo lực chưa bao giờ là cách xử lý tình huống tốt trong cuộc sống. Mọi thứ đều có thể giải quyết khi chúng ta bình tĩnh ngồi lại với nhau", bà Thảo nhấn mạnh.

Qua sự việc trên, thạc sĩ Chế Dạ Thảo mong phụ huynh thường xuyên quan sát để đồng hành với trẻ, hiểu và nắm bắt đời sống tinh thần của con.

"Bố, mẹ, anh, chị là những người có tác động nhất định đối với trẻ. Các bạn thường hay nhìn cách hành xử của người lớn, xem đó là một điều đúng đắn để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Nếu như chuyện dùng bạo lực để giải quyết vấn đề diễn ra nhiều hơn và gia tăng cả về cấp độ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến quan niệm sống của nhiều bạn trẻ", thạc sĩ Chế Dạ Thảo nhấn mạnh.

Nguyễn Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-the-dong-cam-voi-hanh-dong-phu-huynh-danh-ban-hoc-cua-con-post1296166.html