Không thể đưa Lý Hải và Trấn Thành ra 'định lượng' hay bàn luận hơn thua
Nhà nghiên cứu văn hóa - đạo diễn Ngô Hương Giang cho rằng việc đem Trấn Thành và Lý Hải lên so sánh vì cùng là 'đạo diễn nghìn tỷ' là điều không thể.
Lật mặt 7: Một điều ước - tác phẩm do Lý Hải viết kịch bản, đạo diễn, biên kịch, sản xuất và dựng phim đang gây "sốt" phòng rạp. Theo thống kê trên Box Office Vietnam (đơn vị thống kê phòng vé độc lập), doanh thu của Lật mặt 7: Một điều ước hiện đã vượt mốc 300 tỷ đồng. Đây là phần phim có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trong thương hiệu Lật mặt.
Trong cuộc trò chuyện với VTC News, đạo diễn - nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng một trong những yếu tố lớn nhất làm nên thành công của thương hiệu Lật mặt được cho là đến từ chính tác giả - đạo diễn Lý Hải.
Theo tôi, Lật mặt 7 là bộ phim rất đáng để khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp xem, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà các giá trị gia đình, giá trị nhân văn đang dần bị vật chất hóa khiến cho mờ nhạt. Phim đã lột tả đúng bản chất của cuộc sống mưu sinh hiện đại, con người phải quay cuồng đối diện với vòng xoáy “cơm áo gạo tiền” mà quên đi giá trị tình thân, sự yêu thương đùm bọc giữa các thành viên.
Vì vậy, Lý Hải không chỉ mang “một điều ước” đến với khán giả xem phim mà còn là “một điều ước” cho tất cả những con người trong xã hội vẫn đang còn vướng bận chuyện mưu sinh, để họ có phút giây ngơi nghỉ nghĩ về gia đình, để yêu thương trân trọng những người xung quanh.
Đúng là kịch bản của Lật mặt 7 không mới về ý tưởng, kết cấu nội dung, cách kể chuyện, nhưng vẫn gây được sức ảnh hưởng đối với công chúng, đặc biệt mang lại doanh thu cao. Theo tôi có hai lý do chính khiến bộ phim hút khách.
Thứ nhất, bộ phim đi sâu khai thác tâm lý đời sống gia đình trong xã hội hiện đại, mà hầu hết khán giả nào cũng thấy mình, thấy một phần gia đình ở trong đấy. Sự hối hả, cấp tập của đời sống đô thị và đô thị hóa miền quê, đã khiến tình thương của các thành viên trong gia đình trở nên mờ nhạt.
Các thành viên viện đủ lý do công việc để trốn tránh nghĩa vụ gia đình, trốn tránh bổn phận làm con với cha mẹ, khiến cha mẹ có cảm giác cô độc trong căn nhà mà quá khứ đầy ắp tiếng trẻ con. Chính điều này đã đánh thức lương tâm, khơi gợi giá trị nhân văn trong mỗi người xem, khiến họ xúc động, hồi tưởng về chính mình, chính gia đình của mình.
Bộ phim như một “chiếu nghỉ” để khán giả có giây phút tĩnh lặng trong tâm hồn, kịp nhớ về những ký ức tươi đẹp bên cha mẹ. Đây là lý do căn cốt, khiến bộ phim được đông đảo khán giả đón xem, tiếp nhận.
Thứ hai, Lật mặt của Lý Hải đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nhiều năm về phim chiếu rạp Việt. Sự nổi tiếng của loạt phim cũng là lý do lôi cuốn khán giả đông đảo đến rạp xem. Một phần cũng vì tò mò và một phần vì giá trị tên tuổi của đạo diễn, nhà sản xuất cũng như danh tiếng của phim.
Với tôi, Lý Hải là nghệ sĩ đa tài. Một người chuyển từ lĩnh vực ca hát lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, không hề dễ dàng. Việc series phim Lật mặt thành công vang dội là ở tài năng nghệ thuật và sự tử tế của nghệ sĩ Lý Hải, chứ không phải ở quá khứ vang bóng của ca sĩ Lý Hải. Để thành công như ngày hôm nay, Lý Hải đã phải đánh đổi rất nhiều, thậm chí theo truyền thông thì giai đoạn đầu làm phim, anh đã suýt phá sản.
Có thể nói rằng, cách làm phim của Lý Hải không đi vào những vấn đề lớn lao của xã hội, ngược lại, xoáy sâu vào những chi tiết đời thường mang tính phổ biến, mà hầu như ai cũng thấy mình trong các hoàn cảnh phim của anh. Song tôi vẫn phải nhấn mạnh một điều, đằng sau cảm xúc phim mang lại, khán giả sẽ thấy những điều phi-logic xuất hiện đâu đó trong seri phim Lật mặt của Lý Hải.
Chẳng hạn như Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, ngoài ý nghĩa triết lý nhân sinh thì cảnh quật mộ để lấy tờ vé số, hay cảnh các nhân vật mưu tính triệt hạ nhau vì tiền…,đều thấp thoáng sự siêu thực trong đó.
Tôi không cho rằng Lật mặt 7 có thể vượt doanh thu phim Mai của Trấn Thành. Bởi vì, xét một cách công bằng dưới góc nhìn cá nhân, Lật mặt 7 thiếu nhiều yếu tố để bứt phá về doanh thu cũng như định hình phong cách nghệ thuật so với Mai, chẳng hạn như: sức nặng truyền thông, cách giải quyết độ căng trong phim, dấu ấn phong cách làm phim…, đều cho thấy điều đó.
Mặt khác, nếu soi kỹ Lật mặt 7, chúng ta sẽ thấy có khá nhiều sạn phi logic trong phim xuất hiện theo một cách “cố tình sắp đặt” như cảnh bà Hai bị gãy chân trong phim mà lại được cháu nội đưa đi tàu cao tốc trên cao ở Hà Nội, rồi bà lại “vô tình” gặp gặp cháu gái nội tình tứ bên bạn trai, rồi cảnh bà Hai xuất hiện như một người cứu vãn sự “đổ vỡ” gia đình của Khôn với các hành động xử lý mâu thuẫn học đường tại trường học của cháu gái hay xử lý chi tiết chiếc cúp tặng thưởng của người con dâu cả bị vỡ.
Khi xem phim, khán giả có thể sẽ cảm thấy liền mạch, nhưng rõ ràng sự sắp đặt này là cố ý và phi logic để khiến nhân vật chính trở nên hoàn hảo, xuất hiện như một người có thể “vá lành” mọi cảm xúc gia đình.
Đó là chúng ta chưa bàn đến hai từ "lật mặt” trong phần 7. Thường thì “lật mặt” là cách thể hiện mang ý đồ xấu: chuyển bạn thành thù, hay đang là người tốt vì lợi ích vật chất mà trở mặt thành xấu xa – điều mà Lý Hải đã làm rất tốt từ phần 1 tới phần 6. Nhưng với phần 7, sự “lật mặt” có vẻ không rõ ràng, thậm chí đang ngược so với ý nghĩa của tên series phim.
- Nhờ "Lật mặt 7", Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ cùng Trấn Thành, điều này khiến cả hai luôn bị đặt lên bàn cân. Anh đánh giá thế nào về hai vị đạo diễn nghìn tỷ này?
Cá nhân tôi cho rằng, nếu chỉ dựa vào doanh thu để đánh giá “giá trị” phim của nhà sản xuất này với nhà sản xuất khác là mạo hiểm và sẽ không tránh khỏi phiến diện. Vì doanh thu là kết quả cộng hưởng của nhiều yếu tố như: chiến dịch truyền thông hiệu quả, sự áp đảo của người hâm mộ hay sự ảnh hưởng của nhà sản xuất, và tất nhiên là phim phải hay. Tuy nhiên nếu lấy doanh thu để phản ánh phim của đạo diễn này hay hơn phim của đạo diễn kia thì lại không chính xác, nhất là trong nghệ thuật.
Vì vậy giá trị tên tuổi của Lý Hải, Trấn Thành không thể là chủ đề được đưa ra “định lượng” hay bàn luận hơn thua được. Chúng ta nên dừng lại ở giá trị tích cực mà phim của hai đạo diễn mang đến cho khán giả và xã hội. Có lẽ như vậy sẽ công bằng hơn với cả hai nghệ sĩ.
- Có thể thấy rằng thời điểm này rất khó xuất hiện một dự án nào vượt qua thành công của Lý Hải và Trấn Thành, theo anh đây có phải là một áp lực mà các đạo diễn khác cần phải vượt qua?
Quy tắc của nghệ thuật là “ngoài trời lại có trời”, “sóng to rồi sẽ có sóng to hơn”. Ở thời điểm hiện tại, Trấn Thành và Lý Hải là hai nhà sản xuất phim chiếu rạp thành công. Song không phải vậy mà chúng ta mặc nhiên “dựng tượng đài phim bất tử” cho họ! Tôi biết, trong đời sống phim ảnh Việt Nam còn rất nhiều kịch bản hay, biên kịch giỏi và đạo diễn xuất sắc. Họ vẫn đang âm thầm làm việc. Vấn đề là họ đang phải “loay hoay” với hai bài toán mà chưa giải được ngay: vốn và cách làm phim. Tuy nhiên điều này Lý Hải, Trấn Thành đã làm rất tốt và thành công.
Vốn luôn là vấn đề số một để một bộ phim thành công hay thất bại. Ở thời điểm hiện tại, nếu nhà sản xuất nào đó chưa định vị được thương hiệu mà lại chọn sản xuất phim chiếu rạp như kiểu Trấn Thành và Lý Hải thì rủi ro là rất cao.
Về cách làm phim - nghĩa là phải định hình được phong cách phim riêng biệt, có bản sắc. Đây là vấn đề dài hơi, chứ không thể chỉ qua một hai bộ phim là có được ngay phong cách nghệ thuật. Lý Hải phải đến vài phần mới định danh được phong cách. Trấn Thành phải đến Bố già, Nhà bà Nữ và Mai thì mới có “kiểu phong cách Trấn Thành”.
Vậy nên để có ngay một tên tuổi mới thay thế tên tuổi phim đã thành thương hiệu như Trấn Thành, Lý Hải là rất khó. Nhưng tương lai thì không ai có thể khẳng định rằng Lý Hải hay Trấn Thành sẽ vẫn giữ vững được phong cách, giá trị nghệ thuật phim hay doanh thu như hiện tại.