Không thể 'đủng đỉnh'

Trong buổi làm việc thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý phải quan tâm đặc biệt đến không gian ngầm và hạ tầng ngầm.

Đặc biệt định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị mới, trong đó cần nghiên cứu mô hình "nhà xây nén", "đô thị nén" nhưng trong nhà có vườn cây, trong TP có rừng.

Đây là một yêu cầu không đơn giản nhưng không thể không chú trọng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường hiện nay.

Quy hoạch ngầm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ rất lâu, nhưng ở Việt Nam chỉ mới được quan tâm. Hà Nội là TP đầu tiên áp dụng nên sẽ không ít khó khăn. Vì vậy, việc Hà Nội đang xúc tiến thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2050 thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và chuyên gia liên quan tới quy hoạch không gian đô thị ngầm.

Theo các chuyên gia, trong không gian ngầm có nhiều yếu tố thuộc về địa hình, địa chất, tổ chức đời sống, đặc biệt là an ninh quốc phòng cho nên phải có những lựa chọn sàng lọc để nhận diện từng loại không gian ngầm rồi mới khai thác hợp lý.

Trong khi đó về tình hình địa chất thủy văn, Hà Nội đã tốn rất nhiều tiền để nghiên cứu, vấn đề này đã có những biến động theo thời gian với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay thì nảy sinh nhiều thách thức mới nên phải tích lũy những yếu tố mới, kỹ thuật mới thì mới có thể làm được.

Mặt khác với tình hình tài nguyên đất đai hiện nay, việc khai thác không gian ngầm, kết nối những chuỗi liên kết về thương mại, dịch vụ, giao thông, xã hội... sao cho hợp lý, vừa giữ cái cũ, thêm cái mới hiện đại, bền vững thì đòi hỏi phải có nguồn lực và tầm nhìn.

Trong khi đó, hiện nay chúng ta vẫn thiếu cơ chế chính sách chiến lược phát triển quy hoạch không gian ngầm đô thị để đưa khai thác sử dụng đất không gian ngầm và chưa gắn kết được với không gian công cộng trên mặt đất: Để xây dựng và khai thác không gian ngầm đô thị một cách khoa học, hợp lý và hiệu quả lâu dài đòi hỏi phải xây dựng được hệ thống chiến lược riêng cho từng quy hoạch sử dụng đất cho không gian ngầm khác nhau.

Xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng công trình ngầm từ trong và ngoài nước thông qua việc quy hoạch các không gian ngầm công cộng kết hợp với các công trình ngầm thương mại, dịch vụ để thúc đẩy thị trường bất động sản gắn với công trình ngầm.

Điều này xem ra không đơn giản nhưng không gian ngầm đã và sẽ là một phần của đời sống đô thị hiện đại, việc quy hoạch, quản lý và khai thác không gian ngầm hiệu quả không chỉ để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị, năng lực cơ sở hạ tầng, giữ gìn cảnh quan lịch sử văn hóa, tăng diện tích xanh, cải thiện sinh thái đô thị mà còn là giải pháp hữu hiệu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển đô thị hiện đại và bền vững.

Vậy nên, giải quyết được những khó khăn đề cập ở trên cũng đồng nghĩa với việc TP đã tìm ra được hướng đi tươi sáng cho quy hoạch không gian đô thị ngầm Hà Nội. Vẫn biết rằng, “muốn nhanh thì phải từ từ” nhưng rõ ràng chúng ta không thể “đủng đỉnh” hay hời hợt trong thực hiện điều chỉnh quy hoạch Thủ đô.

Lê Mai

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-the-dung-dinh-722283.html