Không thể dùng lòng tốt để khắc phục bão lũ

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, không thể dùng lòng tốt để khắc phục được hậu quả bão lụt từ năm này sang năm khác.

Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Nhiều đại biểu đã đề cập câu chuyện bão lũ xảy ra mới đây tại miền Trung.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chia sẻ, trở về từ miền Trung từ Chủ nhật vừa qua, ông thấu hiểu tình cảm của cả nước đối với khúc ruột yêu thương này.

“Nhưng thảm họa sẽ xảy ra bất cứ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S, nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay trong lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động, thậm chí được cấp giấy phép mới. Nếu vậy, sẽ xảy ra những trận lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa”, ông Hiếu nói.

Theo đại biểu này, cần phải thay đổi cách làm và phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ.

“Việc này thật khó vì thay đổi trên văn bản chỉ đạo nghị quyết thì chúng ta đã làm, nhưng thay đổi trong tư duy thì không dễ. Đơn cử, khi mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ tự nhiên là tốt hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến nhà thăm cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương hay là lim, sến, táu, rồi tự huyễn hoặc là gỗ này mình nhập từ Lào, từ Miến Điện không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam”, ông Hiếu phát biểu.

Dẫn chứng từ ví dụ Philippines, ông Hiếu cho rằng, nước bạn giữ rừng già, giữ những ngọn núi cao còn hơn cả con ngươi của mắt mình, vì họ biết đây chính là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước, con người trước sự giận dữ của thiên nhiên. Cơn bão số 10 đập vào dãy núi và rừng già của Philippines đã được giảm cấp là một ví dụ rất rõ ràng.

Bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ tư duy, mà tư duy là phải nhờ giáo dục mà có…

Theo ông Hiếu, bão lụt chắc chắn sẽ xảy ra hàng năm như một quy luật của thiên nhiên, chính vì vậy không thể dùng lòng tốt để khắc phục từ năm này sang năm khác.

Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng

Chưa đầy 3 phút trình bày tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay Việt Nam có tổng diện tích rừng là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha.

“Đây là một sự cố gắng vượt bậc, cả hệ thống chính trị và toàn dân, bởi vì năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng. Lúc đó hệ số che phủ chỉ 27% mà trong vòng 30 năm một đất nước GDP còn thấp như vậy, chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển rừng là trọng yếu để bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng nói thêm.

Theo Bộ trưởng, về nguyên liệu trong 4,3 triệu ha rừng, chúng ta đã sản xuất nguyên liệu 30 triệu m3 để xây dựng một ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp, 4.600 doanh nghiệp chế biến, năm nay chúng ta có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD tiền lâm sản. Đây là một cố gắng ở vùng nguyên liệu.

Còn rừng tự nhiên thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn có chính sách để bà con giữ hơn 1 triệu ha rừng có chế độ ngày càng được tăng lên.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

“Trước đây, các hộ khoanh nuôi bảo vệ rừng chỉ nhận được 50.000 đồng/ha/năm, bây giờ nâng lên 250.000 đồng/ha/năm. Đồng thời Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải nâng lên 1 triệu nữa thì mới đảm bảo từng bước một cho chất lượng, khu vực 10,3 triệu hecta khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên chúng ta phát triển, cùng với đó là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Mỗi năm chúng ta cũng xã hội hóa thu được 3.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng nói thêm.

Đề cập đến mặt trái của vấn đề, Bộ trưởng đánh giá trong 30 năm phát triển rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì thời gian quá ngắn. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học hủy hoại 2 triệu ha rừng của miền Trung thì bây giờ phục hồi phải từng bước, kể cả rừng tự nhiên cũng phải từng bước thì mới đạt hệ số che phủ theo kiến tạo như ngày xưa của tự nhiên.

Đỗ Mến

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khong-the-dung-long-tot-de-khac-phuc-bao-lu-post254184.html