Không thể hình thức

Dán nhãn phim được hiểu là phân loại, khuyến cáo, cảnh báo trong bộ phim (hoặc series phim) có nội dung, hình ảnh... không phù hợp với độ tuổi vị thành niên, đôi khi còn là với công chúng rộng rãi nói chung.

Với các quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển thì việc dán nhãn là chuyện bắt buộc, lâu dần trở thành tự giác đối với người sản xuất, kinh doanh phim. Vì họ biết rằng nếu không làm thì sẽ bị phạt rất nặng.

Khi các nền tảng số bùng nổ trên không gian mạng thì việc đó lại càng cần thiết. Tuy nhiên, các quy định thường chạy sau thực tiễn nên cũng để lại nhiều lỗ hổng khiến không ít bộ phim “nhạy cảm”, “phim đen” lọt lưới. Lỗi đó trước tiên thuộc về cơ quan quản lý, muốn khắc phục thì chính họ phải lấp đầy bằng việc tăng cường kiểm soát và áp các quy định chặt chẽ, trong đó khởi đầu là dán nhãn cảnh báo.

Mặc dù Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim đã hơn 1 năm nay (trước đó đã tiến hành việc phân loại và dán nhãn cho phim từ cuối năm 2007), nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Nhất là ranh giới giữa phim dán nhãn 16+ với 18+ rất mong manh, nếu chỉ dựa trên những tiêu chí hiển thị ở đầu phim, cụ thể là với phim nước ngoài, trong đó có Netflix (trả tiền để được xem).

Cho dù nền tảng này thiết lập xếp hạng độ tuổi đề xuất cho khán giả từ 7+, 10+, 13+,16+ và 18+, xem ra rất nghiêm túc nhưng nhiều phim có tình tiết kinh dị, rùng rợn, bạo lực lại không được dán nhãn cảnh báo ở mức cao. Kể cả phim có nhiều hình ảnh tính dục “hơn cả người lớn”.

Dán nhãn phim nếu chỉ nặng về hình thức thì cũng có nghĩa là người xem không được bảo vệ. Ví dụ với quy định yêu cầu các cảnh tình dục trong phim “không được mô tả thường xuyên và chi tiết”, “không kéo dài”; nhưng thời lượng bao lâu là thường xuyên và mô tả chi tiết là thế nào thì lại rất cảm tính.

TS Phan Bích Hà - nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM từng đặt vấn đề, trong thông tư của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có nhắc đến việc miêu tả, mô phỏng hành vi tình dục của con người được thể hiện một cách nghệ thuật, hay chân thực, hay mang tính thô thiển, đồi trụy. Vậy thì như thế nào là nghệ thuật? Như thế nào là chân thực? Thế nào là đồi trụy? Điểm này quá trừu tượng và không rõ chuẩn mực để đánh giá.

Xem phim là nhu cầu giải trí của mọi lứa tuổi. Nhưng cũng vì thế lại càng cần dán nhãn để phân loại cho phù hợp với các độ tuổi khác nhau, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão. Nếu không có giải pháp thích hợp thì mọi cố gắng dán nhãn cho phim lại sẽ về 0.

Vẫn biết dán nhãn phim không phải là phép màu để giải quyết tất cả, nhưng không thể phủ nhận tính tích cực và sự cần thiết của nó. Tuy nhiên, về vấn đề này, quan trọng nhất là hành động từ cơ quan quản lý, nếu dán nhãn một cách hình thức, chiếu lệ thì có cũng như không.

Một việc cũng rất đáng nói là nhiều bậc cha mẹ rất khó biết con cái lên mạng xem gì. Vì thế những bộ phim dù có dán nhãn 18+ nhưng trẻ em vẫn lén lút xem. Cũng chính vì việc rất khó kiểm soát như vậy lại càng đòi hỏi trách nhiệm của nhà quản lý trong việc dán nhãn, kiểm soát các bộ phim ngay từ trước khi phát hành (với phim sản xuất trong nước) và trước khi được phép phổ biến tại Việt Nam (với phim nước ngoài).

An Nhiên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-the-hinh-thuc-10285378.html