Không thể lấy số ca mắc mới trong cộng đồng làm chỉ số đánh giá 'thích ứng'

Việc lấy tỉ lệ số ca mắc COVID-19 mới trong 100.000 dân (không tính cơ sở cách ly tập trung) để quyết định chuyển mức độ nguy cơ đối với địa phương là chưa hợp lý.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với hơn 10.000 xã, phường trên cả nước ngày 25-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Đây sẽ là cơ sở để các tỉnh, thành phố xây dựng hướng dẫn và phổ biến đến quận/huyện, xã/phường về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp áp dụng thay thế cho các biện pháp áp dụng tại Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16, Chỉ thị số 19.

PLO ghi nhận ý kiến các chuyên gia dịch tễ xung quanh bảng dự thảo này.

PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, nguyên trưởng bộ môn Nhi, trường D9H Y dược TPHCM:

Điều chỉnh mục tiêu, bổ sung chỉ số bắt buộc

PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc

PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc

Đến thời điểm này, việc Chính phủ thống nhất quan điểm chuyển trạng thái trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là một bước chuyển cực ky quan trọng. Tuy nhiên, việc xác đinh mục tiêu trong Dự thảo hướng dẫn theo tôi chưa hợp lý.

Về mục tiêu số 1: Giảm số ca mắc COVID-19, theo tôi mục tiêu này chắc chắn không đạt được. Bởi, với chủng Delta, khi mở cửa lại chắc chắn số ca mắc sẽ tăng, không có chuyện giảm, tình hình các nước trên toàn thế giới đã cho thấy điều này. Vì vậy, dự thảo đưa mục tiêu này là không khả thi. Tôi đề nghị sửa lại mục tiêu số 1 này là “Kiểm soát được số ca mới mắc trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế”.

Ở mục tiêu số 2: Giảm số tử vong do COVID-19, rất chung chung. Khi ta nói giảm thì phải có con số để đo lường. Vì vậy, mục tiêu này phải điều chỉnh lại: Giảm thiểu số bệnh nhân nhập viện và tử vong do COVID-19 (ý là giảm số bệnh nhân nhập viện và tử vong đến mức tối thiểu có thể phù hợp với đáp ứng của hệ thống y tế, đừng bị quá tải).

Về các chỉ số đánh giá, theo tôi, chỉ số đánh giá là dựa trên mục tiêu. Muốn đạt mục tiêu gì thì phải có chỉ số đánh giá đó. Mục tiêu là giảm thiểu số ca mắc mới, giảm thiểu số bệnh nhân nhập viện và số tử vong thì đầu tiên phải có chỉ số đánh giá về hệ thống y tế. Tôi thấy 3 chỉ số bắt buộc mà bản dự thảo đưa ra là tương đối ổn.

3 chỉ số bắt buộc này tôi thấy chỉ số 1 và 3 đã nói lên được mục tiêu là hệ thống y tế đáp ứng được. Nhưng để thỏa mục tiêu số 1, số 2 là giảm thiểu số mắc và số ca tử vong thì chỉ số đo lường phải đo là gì? Vì vậy, trong 3 chỉ số bắt buộc theo dự thảo, theo chúng tôi, phải thêm 3 chỉ số bắt buộc là: Số bệnh nhân tử vong do COVID-19/ngày; Số bệnh nhân nặng phải nhập viện vì COVID-19/ngày; Số bệnh nhân nặng nằm ICU vì COVID-19/ngày.

Về các chỉ số khác, có chỉ số 4: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần.

Ban soạn thảo đã dựa trên cơ sở khoa học nào để đưa ra con số này? Lấy số ca mắc mới trong cộng đồng, là nào chúc ta phải thực hiện test toàn dân? Chi phí đâu để thực hiện? Vì khi mở cửa chắc chắn số mới mắc sẽ tăng. Nên chăng bỏ đi, hoặc sửa lại như thế nào để còn làm được, phải tính chi phí-hiệu quả.

Về chỉ số 5: Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 01 liều vaccine phòng COVID-19. Theo tôi chỉ số này đã lạc hậu so với thế giới. Vì với chủng Delta lây nhanh và mạnh, hiện nay các nước đều tính tỉ lệ > 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi, chứ không phải 1 mũi. Vì vậy, cần điều chỉnh chỉ số này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học Bệnh viện Nhi đồng 1:

Căn cứ nào để đưa số ca mắc trên 100.000 dân trong cộng đồng?

BS Trương Hữu Khanh

BS Trương Hữu Khanh

Việc lấy tỉ lệ số ca mắc COVID-19 mới trong 100.000 dân (không tính cơ sở cách ly tập trung) để quyết định chuyển mức độ nguy cơ đối với địa phương là chưa hợp lý.

Rất khó để xác định có bao nhiêu ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, bởi công tác xét nghiệm không thể tiến hành thường xuyên và diện rộng. Hoặc kể cả việc có xét nghiệm toàn bộ người dân thì con số này bao giờ cũng có giá trị tương đối.

Vì vậy, cần tính tỉ lệ số ca mắc/100.000 dân là số nhập viện mới.

Hiện tại, riêng ở TPHCM, số được tiêm vaccine khá lớn, nếu mắc COVID-19 thường không có triệu chứng nên những ca có triệu chứng nhập viện sẽ dễ dàng xác định hơn.

Ở phần tỉ lệ tiêm chủng, nên tính cả số người đã mắc bệnh, đã có kháng thể bảo vệ ngoài số người đã được tiêm chủng.

Việc phân vùng nguy cơ và người dân ở các vùng nguy cơ được cho phép các hoạt động tương ứng là hợp lý. Tuy nhiên, cần lưu ý trong tất cả vùng màu, khi tổ chức các hoạt động bao nhiêu người ở khu vực nào thì phải có chuẩn riêng cho từng chỗ.

Một hoạt động tập trung 20 người đến 30 người phải có chuẩn riêng cho khu vực tổ chức đó, chẳng hạn một nhà hàng ở vùng xanh người được tiêm ngừa vaccine rồi mới được đến. Ở các sự kiện, nếu người đến mà không được chích ngừa thì rất dễ lây lan dịch và người không được tiêm ngừa mắc bệnh sẽ dễ nặng hơn người đã tiêm ngừa, nhất là người lớn tuổi, gây gánh nặng lên hệ thống y tế. Tôi lấy ví dụ một sự kiện có 20 người già vài người trẻ mà trong số này có một người mắc bệnh, nếu vài người già chưa được tiêm ngừa thì sẽ mắc bệnh và dễ diễn tiến nặng, tiếp tục gây gánh nặng lên hệ thống y tế.

THANH TRANG - HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/chuyen-gia-gop-y-du-thao-thich-ung-an-toan-1017906.html