Không thể nói trời không trong hơn

Hơn 77 năm trước, vào ngày 17/2/1947, những người lính Trung đoàn Thủ đô sau khi hoàn thành nhiệm vụ 60 ngày đêm kìm chân địch trong lòng Hà Nội, nhận lệnh rút quân lên chiến khu, bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Hơn 7 năm sau, ngày 10/10/1954, đoàn hùng binh chiến thắng trở về Thủ đô thân yêu trong tiếng hoan hô dậy đất.

Vinh quang của ngày chiến thắng bắt đầu từ 60 ngày đêm những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô cùng người dân Hà Nội đem thân mình ra ngăn bước quân thù. Trên những tuyến phố nội thành đều bố trí chướng ngại vật, lập chiến lũy nhằm cản bước tiến của địch. Những ngôi nhà đục tường nối thông nhau. Nhiều thân cây được khoan gài mìn sẵn sàng cho nổ khi địch tới. Cột điện trở thành ụ súng. Hà Nội trở thành chiến địa giữ chân quân thù để cả nước chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến dài lâu.

Lễ hội Văn hóa vì hòa bình tái hiện hình ảnh Hà Nội năm 1954. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Lễ hội Văn hóa vì hòa bình tái hiện hình ảnh Hà Nội năm 1954. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Cuộc rút lui huyền thoại vượt sông Hồng

Ngày 17/2/1947 được ghi nhận bởi cuộc rút quân thần kỳ của những người lính ngoan cường bảo vệ Thủ đô. Rút toàn bộ lực lượng ngay trong đêm, vượt qua rất nhiều tai mắt của địch là một việc cực kỳ gian khó, vậy mà ta đã làm được. Chỉ trong vòng 1 tiếng, từ khi có lệnh của cấp trên, Ban Chỉ huy Trung đội tự vệ xã Tứ Liên đã huy động được 44 thuyền gỗ để làm nhiệm vụ đặc biệt.

Trong cái đêm lịch sử ấy, những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô băng qua con đê sông Hồng, đi trong sương mù dày đặc dưới cầu Long Biên ngay dưới ánh đèn gác của kẻ thù. Đoàn quân lặng lẽ đi trong đêm với lời thề “Hà Nội ơi, hẹn ngày trở lại”.

Trong bài “Ngày về”, nhà thơ Chính Hữu viết: Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa.

Hình ảnh thật lẫm liệt của những người lính Trung đoàn Thủ đô “ra đi đầu không ngoảnh lại” trong những năm tháng bền gan chiến đấu trường kỳ. Vang vọng lời thề “sống chết với Thủ đô”, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã trở thành quyết tử quân, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Suốt 60 ngày đêm từ ngày 19/12/1945 đến ngày 17/2/1946, Trung đoàn Thủ đô cùng nhân dân Hà Nội chiến đấu giam chân địch trong thành phố, tiêu hao một bộ phận lớn sinh lực địch, đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Bác Hồ đã gửi lời khen tới cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô: “Các chú giam chân địch được một tháng đã là thắng lợi, đến nay giữ Hà Nội được 2 tháng là đại thắng lợi”.

Ra đi hôm đó, những người lính của Trung đoàn Thủ đô đã viết lên tường các dãy phố: “Thủ đô Hà Nội mãi mãi là của dân tộc Việt Nam”, “Quân xâm lăng, chúng ta sẽ trở lại đây một ngày mai”. Họ ra đi nhưng hẹn ngày về, quyết trở về với Thủ đô mang trong tim mình niềm tin son sắt.

Và rồi, vào lúc 16h30’ ngày 9/10/1954, những toán lính địch cuối cùng rút khỏi Hà Nội, qua cầu Long Biên, đánh dấu chấm hết sự hiện diện của quân Pháp ở Thủ đô Hà Nội. Sáng 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào Hà Nội trong tiếng reo hò của hàng chục vạn người dân. Để có được ngày vinh quang ấy là cả một hành trình đầy gian nan và cả những mất mát, hy sinh của quân dân Hà Nội. Để đến hôm nay, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trong lòng mỗi người đều xao xuyến, đều xúc động tự hào về Thủ đô của mình, Thủ đô của phẩm giá con người.

“Thành phố vì hòa bình", "Thủ đô Anh hùng"

Ngày Giải phóng Thủ đô luôn là cảm hứng dồi dào cho các sáng tác từ âm nhạc cho đến điện ảnh, sân khấu... Trong số rất nhiều ca khúc viết về Hà Nội thì “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc kỳ lạ viết về ngày Giải phóng Thủ đô. Nó kỳ lạ ở chỗ bài hát đã được ông sáng tác vào năm 1949, tức là ra đời trước 5 năm khi Hà Nội hoàn toàn được giải phóng. Dự cảm của người nhạc sĩ cũng chính là niềm tin tất thắng của người Việt Nam, người Hà Nội. “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh...”.

Nếu “Tiến về Hà Nội” là dự cảm, là niềm tin thì “Cảm xúc Tháng Mười” lại là khúc ca xao xuyến trong ngày Hà Nội giải phóng. Nhạc sĩ Nguyễn Thành viết: Không thể nói trời không trong hơn/Và mắt em xanh khác ngày thường/Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường... Và: Một sớm thu trong đất thắm hoa vàng/Năm cửa ô xòe năm cánh rộng/Đoàn quân về nhấp nhô như sóng/Những ngôi nhà dường muốn cao thêm/Tháng mười ấy là khúc ca xanh/Khúc ca mở những chiến công đầy/Ôi Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội/Nghìn năm vẫn một trái tim này.

Hà Nội trải qua những tháng năm khốc liệt của những ngày “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, thì cũng lại bi tráng và kiên cường trước những trận bom Mỹ. Hà Nội không bao giờ khuất phục. Dù ngói tan gạch nát thì Hà Nội vẫn hoàn thành sứ mệnh lịch sử là Thủ đô - trái tim của cả nước.

Tháng 10/2010, tại Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO đã nói đầy xúc động. “Tôi tin rằng thần Kim Quy và các cụ rùa cũng đang lắng nghe chúng ta từ hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng quý giá về hòa bình của mọi người dân Việt Nam... Rất ít quốc gia trên thế giới có thể gìn giữ được những ký ức sống động về việc lập đô từ 1000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian. Tôi rất ngưỡng mộ các bạn về điều này...”.

Hà Nội mang trong mình những giá trị thiêng liêng. Hà Nội không ngừng đổi mới, sáng tạo. Hà Nội không ngừng lớn mạnh.

Hiện Hà Nội là một trong những đô thị phát triển nhanh nhất cả nước, cả về hệ thống giao thông, các khu đô thị mới, các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện... Diện mạo Thủ đô thay đổi từng ngày. Người Hà Nội đang trông chờ kỳ tích “thành phố hai bên bờ sông Hồng”. Khi đó, kỳ vọng Thủ đô sẽ càng to đẹp hơn, lung linh hơn.

Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 của UBND TP Hà Nội thể hiện mô hình cấu trúc vùng đô thị đã được xác định, đó là: chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị, trong đó trục sông Hồng sẽ phát triển là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô. Những định hướng cơ bản cho quy hoạch đô thị sông Hồng bao gồm: Xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị; đồng thời, cải tạo khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông, di dời các khu nhà ở không an toàn, kém chất lượng và bên ngoài hành lang sông; xây dựng các tuyến đường cảnh quan dành cho người đi bộ và xe đạp… Hà Nội cũng sẽ rà soát, điều chỉnh lại mạng lưới đường sắt đô thị đi qua khu vực sông Hồng kết nối đồng bộ với hệ thống đường sắt quốc gia và giữa các tuyến đường sắt đô thị. Thành phố sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc hệ thống tàu một ray chạy ven hai bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan...

NAM VIỆT

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-the-noi-troi-khong-trong-hon-10292101.html