Không thể phạt cho tồn tại công trình vi phạm

Nhìn hiện trường hàng chục căn biệt thự ở ấp Bãi Trường, xã Dương Tơ bị lực lượng chức năng thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cưỡng chế, phá dỡ sáng 18-9 vừa qua mới thấy mức độ xây dựng trái phép ở đây lớn thế nào.

Chỉ riêng ở vị trí này có đến 79 căn biệt thự xây dựng trái phép nằm trong diện bị cưỡng chế, phá dỡ. Có người am hiểu về tình hình xây dựng công trình, nhà ở tại Phú Quốc cho biết, vi phạm trật tự xây dựng đã diễn ra trong thời gian rất dài và dường như khó thống kê hết.

Có thể nói, trên cả nước, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã diễn ra tràn lan, nóng bỏng, địa phương nào cũng nhức nhối. Vi phạm giờ đây không chỉ là những căn nhà dân nhỏ lẻ, ở nơi "hang cùng ngõ hẻm", mà là biệt thự, nhà cao tầng, những dãy nhà liền kề, nhiều tầng, thậm chí như một khu phố nằm chềnh ềnh giữa thanh thiên bạch nhật, thách thức dư luận.

Một chiếc xe xúc đang thực hiện dọn xà bần sau khi cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu tại Phú Quốc. Ảnh: Kinhtedothi.vn

Một chiếc xe xúc đang thực hiện dọn xà bần sau khi cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu tại Phú Quốc. Ảnh: Kinhtedothi.vn

Một thực tế gây bức xúc, đó là có tình trạng bao che, đồng lõa, tiếp tay cho vi phạm của một bộ phận cán bộ, lực lượng chức năng trong quản lý trật tự xây dựng, quản lý địa bàn. Bên lề Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của TP Hà Nội vừa tổ chức mới đây, một đồng chí nguyên là cán bộ cấp cao đã nói rằng, có tình trạng “chống lưng” cho những vi phạm này. Trước đó, những nghi vấn về việc một số nơi ban hành quyết định xử phạt công trình vi phạm chỉ để hoàn thiện hồ sơ thủ tục nhằm bao biện khi bị thanh tra, kiểm tra đã được đặt ra. Đây là kiểu “hoàn thiện hồ sơ” để công trình tiếp tục được xây dựng. Thực tế, ở nhiều công trình sai phạm, mức xử phạt không thấm vào đâu so với lợi nhuận, lợi ích mà công trình đó thu được. Thế mới có chuyện nực cười, chủ đầu tư những công trình lớn trái phép, sai phép chỉ "mong được phạt" để hợp thức hóa vi phạm. Trong việc đồng lõa với sai phạm này có sự “chạy chọt”, hối lộ. Các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, không có cơ sở pháp luật để "phạt cho tồn tại". Đối với công trình vi phạm thì phải xử phạt và buộc phá dỡ.

Quản lý nhà nước yếu kém trong lĩnh vực trật tự xây dựng đã và đang gây ra những hệ lụy vô cùng tai hại, tốn nhiều tiền của, lãng phí nhiều công sức khi xử lý hậu quả. Mỗi công trình khi đã hoàn thiện bị cưỡng chế, phá dỡ thì dù đó là tiền của nhà đầu tư, của cá nhân người sai phạm cũng đều là một nguồn lực xã hội bị bỏ đi, nhãn tiền là gây mất niềm tin trong xã hội bởi sự coi thường luật pháp.

Đấu tranh, chống những người cố tình vi phạm trật tự xây dựng vốn đã không dễ, nhưng đấu tranh với các thế lực “chống lưng” cho vi phạm đang là cuộc chiến cấp bách. Nếu không cương quyết, không vạch mặt chỉ tên được những người này thì việc xử lý vi phạm vẫn chỉ là phần ngọn.

Vấn đề cốt lõi là phải quy rõ được trách nhiệm của cán bộ. Việc phân định trách nhiệm của cán bộ cần theo hướng: Nếu cấp dưới vi phạm mà không bị xử lý thì cấp trên phải bị xử lý. Chính quyền cơ sở, lực lượng quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn để vi phạm mà không bị xử lý thì cấp trên của họ phải bị xử lý. Thượng tôn pháp luật luôn là nguyên tắc tối thượng trong quản lý xã hội.

NGUYỄN TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khong-the-phat-cho-ton-tai-cong-trinh-vi-pham-743739