'Không thể phong tỏa hoàn toàn một thành phố như Vũ Hán'
Business Insider dẫn lời một số chuyên gia quy hoạch nhận định rất khó để phong tỏa hoàn toàn một thành phố 11 triệu dân như Vũ Hán trong thời điểm dịch virus corona bùng phát.
Theo South China Morning Post, tính đến sáng 27/1, ở Trung Quốc đã có hơn 2.700 người nhiễm virus corona. Ít nhất 80 người đã thiệt mạng. Nhà chức trách Trung Quốc phong tỏa hoàn toàn 12 thành phố với hơn 35 triệu dân ở tỉnh Hồ Bắc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đô thị cho rằng rất khó để phong tỏa hoàn toàn một thành phố. Như vậy, vẫn có khả năng người dân Hồ Bắc tìm được đường thoát khỏi vùng dịch.
Trên thực tế, các nhà quy hoạch đô thị không hề tính đến phương án "phong tỏa" khi quy hoạch một thành phố. "Nhưng nếu bạn sống trong thành phố, khả năng di chuyển của bạn có thể bị kiểm soát thông qua phương tiện giao thông", Business Insider dẫn lời giáo sư thiết kế đô thị Fei Chen thuộc Đại học Liverpool cho biết.
Cắt đứt hệ thống phương tiện di chuyển
"Vũ Hán có một sân bay quốc tế cùng hệ thống đường cao tốc và đường sắt. Khi bạn đóng cửa tất cả các hệ thống đó, về cơ bản bạn đã cắt đứt các phương tiện đi lại kết nối với thế giới bên ngoài", bà Fei Chen giải thích.
Đó là điều nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện. Mọi hình thức giao thông công cộng, bao gồm xe buýt, tàu điện ngầm, phà, tàu điện cao tốc, máy bay... đều ngừng hoạt động. Lực lượng an ninh dựng rào chắn các con đường để ngăn xe hơi rời khỏi thành phố Vũ Hán.
Vũ Hán là một trung tâm giao thông lớn của Trung Quốc. Các tuyến đường sắt cao tốc của Vũ Hán kết nối với Thượng Hải và Quảng Châu (có dân số lần lượt 24 triệu và 13 triệu người). Sân bay quốc tế Tianhe của thành phố phục vụ hơn 20 triệu hành khách mỗi năm.
"Các thành phố của Trung Quốc có sự kết nối chặt chẽ. Hành khách dễ dàng di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác", chuyên gia Chen cho biết.
Nhiều thành phố lân cận Vũ Hán cũng đã bị phong tỏa. Kể từ ngày 24/1, ít nhất 11 thành phố khác đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại, ảnh hưởng đến khoảng 35 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc. "Đây là điều cần làm", bà Chen nhấn mạnh.
Hiện, gần như không thể rời Vũ Hán và các thành phố trong vùng dịch. "Khả năng bạn có thể ra khỏi tỉnh Hồ Bắc là khá mong manh. Nếu bạn muốn đi ra khỏi tỉnh, thông thường là qua các đường cao tốc chính và đường sắt cao tốc", chuyên gia Chen nói.
Không đảm bảo 100%
Nhưng các mạng lưới đường cao tốc mới được xây dựng của Trung Quốc đều có trạm thu phí cầu đường, có lực lượng tuần tra và được trang bị các thiết bị theo dõi. Các trạm này dễ dàng theo dõi giao thông trên đường.
Tuy nhiên, chuyên gia Chen cho rằng vẫn không thể đảm bảo 100% rằng không có ai thoát khỏi vùng bị phong tỏa. Rất khó để giám sát các thị trấn và làng nhỏ gần những thành phố lớn, bởi chúng không phụ thuộc vào các hệ thống giao thông lớn.
Những thị trấn và làng này kết nối với thành phố thông qua hệ thống đường bộ. Điều đó có nghĩa là vòng kiểm tỏa của chính quyền Trung Quốc chắc chắn không hiệu quả 100%.
Dù vậy, chuyên gia Chen nhận định về cơ bản, chính quyền Trung Quốc đã giữ chân được phần lớn người dân Hồ Bắc. Hơn nữa, việc phong tỏa thành phố có vẻ như dễ thực hiện ở Trung Quốc hơn các nơi khác.
"Mọi lực lượng cảnh sát đều tuân thủ lệnh từ cấp chính phủ. Chính phủ kiểm soát hệ thống giao thông công cộng. Ở Anh chẳng hạn, nhiều tuyến giao thông công cộng do các công ty tư nhân quản lý, nên khó kiểm soát hơn nhiều", bà Chen giải thích.
Trong những năm qua, chính phủ Trung Quốc cũng đã phát triển mạng lưới camera an ninh dày đặc. "Nhiều gia đình có lẽ đã chấp nhận ở lại Hồ Bắc vì e ngại mạng lưới giám sát an ninh", nhà nghiên cứu Kristin Stapleton tại Đại học Buffalo nhận định.