Không thể phủ nhận thành tựu xóa đói, giảm nghèo
Đảng ta đã lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước được gần 40 năm và đạt rất nhiều thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc, phủ nhận những kết quả công tác xóa đói, giảm nghèo. Thực tế tại Bắc Kạn đã bác bỏ những suy luận vô căn cứ của các đối tượng thù địch.
Công tác xóa đói, giảm nghèo từ trước đến nay luôn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và được quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Và cũng nhờ đó, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, được cả thế giới thừa nhận về xóa đói, giảm nghèo.
Thực tế, ngay từ khi mới giành được độc lập, chính quyền còn non trẻ, thế nước còn yếu, thù trong giặc ngoài, nguồn lực vô cùng eo hẹp nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt, là động lực phấn đấu của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cho tới từng người dân Việt Nam trong suốt những năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới gần 40 năm qua.
Ngay từ năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGS) về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015). Ông Ousmane Dione, nguyên Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã từng phát biểu rằng: “Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm mạnh là kết quả rất đáng khích lệ, kết quả của những nỗ lực chính sách tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số”.
Năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam: Từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều, xác định chuẩn nghèo mới thay thế cho chuẩn nghèo cũ với các tiêu chí thoát nghèo cao hơn, theo 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Với cách làm mới này, Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh.
Theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2023. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016-2022…
Ngày 15/11/2023, tại Ngôi nhà Xanh Liên hợp quốc ở Hà Nội, Tiến sĩ Surya Deva – Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển – đã có buổi họp báo xoay quanh chủ đề “Những nỗ lực của Việt Nam để phát triển kinh tế bền vững”, khẳng định: “Dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột, Việt Nam đang đạt được bước tiến ấn tượng trong giảm nghèo đa chiều”.
Với Bắc Kạn, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và công tác giảm nghèo về thông tin, từ đó tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn vốn Trung ương phân bổ trên 473 tỷ đồng, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai 157 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 10 dự án liên kết chuỗi giá trị và 147 dự án cộng đồng. Cùng với đó là triển khai các chính sách giảm nghèo thường xuyên gồm chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo cho học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ về y tế; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo; chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo hưởng thụ văn hóa thông tin; chính sách hỗ trợ nhà ở và chính sách hỗ trợ tiền điện.
Các chính sách này được triển khai đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 21.500 lao động, số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.693 người; đào tạo nghề cho hơn 14.600 người. Bên cạnh đó, các chính sách đã hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 124.507 lượt học sinh nghèo, cận nghèo với kinh phí hơn 246 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 34.200 lượt học sinh, kinh phí thực hiện trên 150 tỷ đồng; thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 430.000 đối tượng chính sách xã hội, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt 97%. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều năm 2022 của Bắc Kạn giảm 2,66%, vượt mục tiêu đề ra. Bằng nhiều nguồn lực, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 4.145 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh với số tiền hỗ trợ gần 128 tỷ đồng; chi trả hỗ trợ tiền điện cho trên 110.000 lượt hộ, với tổng kinh phí thực hiện 23 tỷ đồng…
Trong hành trình xóa đói, giảm nghèo của Bắc Kạn, thành công lớn nhất của tỉnh chính là nâng cao nhận thức và khơi dậy khát vọng vươn lên cho các hộ nghèo. Đặc biệt là các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào “Bắc Kạn chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; thường xuyên cập nhật, phổ biến, nhân rộng các mô hình tốt, những kinh nghiệm, sáng kiến hay về công tác giảm nghèo bền vững để tuyên truyền trong Nhân dân.
Không khó để nhận ra âm mưu chống phá của các phần tử chống đối với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, “thay đổi thường xuyên, liên tục”, chúng luôn coi nhẹ, phủ nhận sạch trơn những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là kết quả của công tác xóa đói, giảm nghèo. Dựa vào những phương tiện truyền thông là các đài phát thanh, trang mạng xã hội phản động ở ngoài nước, các thế lực thù địch thường xuyên đăng tải các bài viết với nội dung xuyên tạc và bịa đặt trắng trợn về chính sách kinh tế của Việt Nam, trong đó có chính sách xóa đói, giảm nghèo. Chúng vu cáo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là “sự lắp ghép khiên cưỡng” dẫn tới tình trạng phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư… Chúng bóp méo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về dân tộc, tôn giáo... chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc với mưu đồ kích động mâu thuẫn, kích động biểu tình, bạo loạn “bất tuân dân sự”, gây mất trật tự an ninh chính trị và an toàn xã hội…
Những kết quả về công tác xóa đói, giảm nghèo tại Bắc Kạn và các địa phương khác trong cả nước chính là những luận cứ đầy thuyết phục để tấn công trực diện vào những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch./.