Không thể thiếu vai trò giám sát, phản biện của người dân
Điều chỉnh quy hoạch là một nội dung, nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch được pháp luật cho phép. Việc điều chỉnh có thể xuất phát từ yêu cầu của người dân, do Nhà nước hoặc chủ đầu tư yêu cầu nhằm phục vụ tốt hơn cho lợi ích của cư dân. Thế nhưng, thời gian qua, đã có không ít khu đô thị điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện, không tuân thủ đúng quy trình, gây bức xúc cho dư luận xã hội.
Theo báo cáo giám sát chưa đầy đủ của các địa phương, hiện nay cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 đến 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng chiều cao, số tầng, diện tích sàn, mật độ xây dựng; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại. Mới đây, cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã có ý kiến phản đối việc điều chỉnh quy hoạch để "nhồi" thêm cao ốc và bệnh viện. Cụ thể là việc điều chỉnh quy hoạch dự án để lấy đất xây dựng Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam-Nhật Bản. Theo phản ảnh của người dân, khi mua nhà họ hy vọng được được hưởng những tiện ích trên 4 khu đất công cộng, gồm: Trường học, tổ hợp thể dục thể thao, vườn hoa, đầu mối kỹ thuật. Thế nhưng quy hoạch dự án đã bị thay đổi, nhiều ô đất mới được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng.
Còn tại Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội), đề xuất của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam muốn xây cao ốc 18 tầng làm văn phòng trên khu đất trước đây được phê duyệt trở thành trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ đang gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân. Theo người dân trên địa bàn, việc làm này của chủ đầu tư sẽ phá vỡ quy hoạch khu đô thị từng được coi là kiểu mẫu của Thủ đô. Tương tự, cư dân cùng đại diện ban quản trị, tổ dân phố các tòa nhà tại Khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy) cũng phản đối chủ trương cho xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại tại Công viên Cầu Giấy, phường Dịch Vọng.
Có thể thấy, việc điều chỉnh quy hoạch tại các khu đô thị thường gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì sau khi điều chỉnh, các dự án thường có xu hướng tăng lợi ích cho nhà đầu tư, giảm các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng. Nếu vấn đề này không được giải quyết tốt sẽ gây ra những tổn thất lớn về về kinh tế và những bất ổn về an ninh trật tự. Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho rằng, hiện nay chất lượng quy hoạch đô thị ở nước ta còn khá thấp. Công tác này còn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu. Minh chứng là tỷ lệ quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 37% diện tích đất xây dựng đô thị. Tuy nhiên, quá trình quy hoạch lại xuất hiện nhiều điều chỉnh, gây hệ lụy, hiệu ứng tiêu cực cho các quy hoạch khác.
TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội, cho biết: “Trước hết cần khẳng định, việc điều chỉnh quy hoạch là một vấn đề đã được pháp luật cho phép, nhưng vừa qua còn tồn tại những trường hợp điều chỉnh quy hoạch 7 đến 8 lần gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân xuất phát từ việc trong quy định của pháp luật về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chưa rõ ràng, chưa được giám sát chặt chẽ, thiếu sự thống nhất. Để giải quyết vấn đề này cần tập trung vào một số giải pháp sau: Thứ nhất, phải có giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch. Thứ hai, tuyên truyền cho người dân thấy rõ trách nhiệm, vai trò, quyền của người dân trong việc điều chỉnh quy hoạch để người dân có đóng góp và cùng tham gia xử lý. Thứ ba, phải thường xuyên kiểm tra việc điều chỉnh quy hoạch tại các khu đô thị, nếu phát hiện sai sót thì phải dừng lại ngay”.
Cũng về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra các biện pháp khắc phục tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và các địa phương cho thanh tra, kiểm tra rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh; cho dừng thực hiện với các quy hoạch điều chỉnh vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn đang thực hiện hoặc chưa thực hiện; đồng thời, có giải pháp đầu tư hạ tầng, đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.
Có thể thấy, trước đây việc lấy ý kiến cộng đồng cư dân khi điều chỉnh quy hoạch chỉ mang tính hình thức, việc giám sát của người dân trong khu đô thị cũng không chặt chẽ, dẫn đến việc chủ đầu tư luôn đặt người dân vào thế đã rồi. Hy vọng, thời gian tới, với sự giám sát chặt chẽ của người dân, cùng sự vào cuộc, quan tâm sâu sát của các cơ quan chức năng, những bất cập, tồn tại trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch đô thị sẽ được giải quyết một cách triệt để.