Không thể trì hoãn tăng lương tối thiểu
Ngày 20/12, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Mức tăng và thời điểm tăng lương tối thiểu là nội dung được mọi người quan tâm ở phiên họp này, nhất là khi giá sinh hoạt tăng, DN thiếu đơn hàng dẫn đến thu nhập của người lao động giảm.
Người lao động mong mỏi
Hội đồng Tiền lương Quốc gia tổ chức phiên họp đầu tiên vào ngày 9/8/2023 nhưng đã hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay do tình hình kinh tế - xã hội còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động của các DN chưa ổn định.
Nhưng việc tăng lương tối thiểu cho người lao động không thể trì hoãn, bởi kết quả khảo sát tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam thực hiện tại 6 tỉnh, TP cho thấy: thu nhập trung bình của 2.982 người lao động được khảo sát đạt 7.885.000 đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập tháng của họ; 23,3% đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của DN.
Đáng chú ý, có tới 75,5% người lao động cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ để chi tiêu cho cuộc sống.
Trong thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTB&XH tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Chính phủ xem xét và chỉ đạo sớm tăng lương tối thiểu vùng cho khu vực lao động sản xuất. Từ đó giúp người lao động ổn định cuộc sống cũng như có niềm tin để tiếp tục bám trụ sản xuất tại những vùng tập trung đông các khu công nghiệp, chế xuất như TP Hồ Chí Minh.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh
Trao đổi về mức đề xuất tăng lương tối thiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, cách đây 4 tháng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên đầu tiên bàn về điều chỉnh lương tối thiểu vùng, Tổng Liên đoàn đề xuất mức tăng 5 – 6%.
Tuy nhiên, trong phiên họp tới, Tổng Liên đoàn sẽ thay đổi mức tăng. Bởi tại mỗi thời điểm, mức đề xuất tăng lương tối thiểu sẽ được tính toán căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, “sức khỏe” của DN và mong muốn của người lao động.
Lương tối thiểu vùng khó có thể tăng vào ngày 1/1/2024, là quan điểm của Phó Trưởng Ban Chính sách, pháp luật – Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Đình Quảng. Bởi, sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt được mức đề xuất tăng lương tối thiểu, các bên phải xây dựng dự thảo Nghị định Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Theo ông Lê Đình Quảng, có hai thời điểm thích hợp để tăng lương tối thiểu vùng là ngày 1/4/2024 hoặc ngày 1/7/2024. Nhưng rất có thể sẽ tăng lương từ ngày 1/7/2024, bởi Nghị định số 38/NĐ-CP của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022. Nếu tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024 cũng sẽ cùng thời điểm thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Mức tăng 5 – 6% là phù hợp?
Thời điểm này, công nhân lao động mong muốn được tăng lương ngay từ đầu năm 2024, để giúp họ giảm bớt áp lực khi năm nay giá điện, nước, lương thực thực phẩm tăng nhiều trong khi lương không tăng thì cuộc sống của họ gặp khó khăn.
Đề xuất tăng lương tối thiểu của họ hoàn toàn có lý, nhất là khi, từ ngày 1/7/2023, tăng lương cơ sở dành cho cán bộ, công chức, viên chức tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên thành 1.800.000 đồng/tháng. Ông Nguyễn Tràng Huy - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Việt - Pacific chia sẻ, chúng tôi mong được tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 3 hoặc tháng 4/2024 vì hiện nay, công nhân lao động rất khó khăn khi phải trải qua dịch Covid-19, lại gần 2 năm chưa tăng lương trong khi chi phí sinh hoạt tăng.
Một số ý kiến lo ngại rằng, thực tế có những DN đang thiếu đơn hàng, phải tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc cắt giảm nhân sự, việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến DN khó khăn hơn.
Nghị định số 38/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu thực hiện từ ngày 1/7/2022 đến nay như sau: mức lương tối thiểu tháng, vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng; vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu giờ, vùng I là 22.500 đồng/giờ; vùng II là 20.000 đồng/giờ; vùng III là 17.500 đồng/giờ; vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tràng Huy cho rằng: “Nhìn chung, DN cũng khó khăn nhưng người lao động lại khó khăn hơn; dù tăng ít hay nhiều cũng là động viên họ. Chứ, nếu tình hình căng thẳng quá, người lao động không chịu được lúc đó xảy ra mâu thuẫn với chủ sử dụng lao động. Khi mình đón trước được, tăng lương cho người lao động “một chút mưa trong cơn hạn hán”, tâm lý họ sẽ thoải mái hơn”.
Cùng với việc đề nghị xem xét, cân nhắc khi người lao động hoàn thành quá trình lao động có lương hưu và các khoản phúc lợi khác, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Nếu chúng ta cứ khất lần tăng lương tối thiểu vùng và để cho người lao động cầm cự với nguồn thu nhập như hiện nay thì họ không thể tiếp tục bám trụ tại các TP lớn. Họ buộc phải quay trở về địa phương nơi sinh sống làm các nghề nghiệp cũ".
Tăng lương tối thiểu vùng 2024 ở mức nào là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm trong tình hình hiện nay. Trao đổi về mức tăng lương tối thiểu vùng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH, TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, về nguyên tắc thì sẽ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Mức tăng bao nhiêu thì trong tháng 12 này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia (bao gồm các bên: Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Bộ LĐTB&XH và các chuyên gia độc lập có chuyên môn về kinh tế) sẽ họp thương lượng, thống nhất phương án tăng lương.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, những năm vừa rồi, giá cả hàng hóa có tăng nhưng không tăng đột biến. Với tình hình phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 từ 5 – 6% là phù hợp. Tức là hai bên cùng cố gắng, chứ cao quá thì DN không chịu nổi hay thấp quá lại không đáp ứng được mong mỏi của người lao động.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam khuyến nghị, các thiết chế lương tối thiểu phải tích cực bảo vệ người lao động không bị trả lương thấp quá và tránh cho họ rơi vào hoàn cảnh nghèo khó bằng cách bảo đảm tiền lương của họ duy trì được sức mua, kể cả trong tình trạng lạm phát. Lương tối thiểu bảo đảm cho người lao động và gia đình của họ nhận được khoản bù đắp hợp lý để đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng tác động nặng nề đến những người lao động được trả lương thấp, mức lương tối thiểu phù hợp có thể bảo vệ và chống lại tác động chi phí sinh hoạt gia tăng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-the-tri-hoan-tang-luong-toi-thieu.html