Không thể xuyên tạc Luật Đất đai năm 2024

Ngày 1/8/2024 đánh dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý đất đai khi Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực.

Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 (ngày 18/1/2024), gồm 16 chương và 260 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội. Luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Luật Đất đai năm 2024 được kỳ vọng là bước tiến lớn về hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường đất đai. Trong ảnh: Khu đất quy hoạch Khu đô thị Nam Tuy Hòa đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: NGỌC THẮNG

Luật Đất đai năm 2024 được kỳ vọng là bước tiến lớn về hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường đất đai. Trong ảnh: Khu đất quy hoạch Khu đô thị Nam Tuy Hòa đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: NGỌC THẮNG

Những đổi mới quan trọng về chính sách, pháp luật đất đai

Với nhiều nội dung đột phá, Luật Đất đai năm 2024 được kỳ vọng là bước tiến lớn về hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường đất đai, xây dựng và bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn. Những quan điểm, tư duy mới sẽ góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển KT-XH đất nước; từ đó tạo bước chuyển mới cho việc quản lý đất đai.

Dư luận đánh giá cao Luật Đất đai năm 2024 có nội dung chặt chẽ, đáp ứng cơ bản mong muốn, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Luật sẽ khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay, đáp ứng kịp thời với yêu cầu của thực tiễn.

Với nhiều điểm mới, Luật Đất đai năm 2024 đang nhận được kỳ vọng lớn từ dư luận và giới chuyên gia về “cuộc cách mạng” trong chính sách quản lý, sử dụng đất đai.

Điển hình là việc luật đã quy định, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương; trách nhiệm và những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất.

Luật cũng góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất, tăng cường quản lý đất đai cả về số lượng, chất lượng và giá trị kinh tế.

Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điều khoản nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, như mở rộng quyền sử dụng đất không chỉ với công dân Việt Nam, mà cả người Việt định cư ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào ta ở nước ngoài có cơ hội sở hữu, đầu tư nhà ở, bất động sản trong nước.

Âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các thế lực thù địch không ngừng chống phá quá trình xây dựng dự thảo luật, lấy góp ý của quần chúng nhân dân cho đến khi luật được thông qua và có hiệu lực thi hành. Các luận điệu, thủ đoạn quen thuộc các thế lực thù địch sử dụng làm chiêu bài chống phá liên quan đến Luật Đất đai năm 2024 như: Tung luận điệu xuyên tạc “đất đai thuộc độc quyền sở hữu nhà nước”; đưa ra kiến nghị để gỡ rối vấn đề đất đai thì cần phải xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; xuyên tạc Việt Nam sửa đổi Luật Đất đai là để thao túng thị trường đất đai, lồng ghép lợi ích cho những cá nhân hay nhóm người nhất định chứ không vì lợi ích của Nhân dân.

Từ các luận điệu xuyên tạc cho thấy các đối tượng cố tình lờ đi một thực tế đó là nhiều rào cản về thủ tục pháp lý trước đây đã được tháo gỡ, được luật hóa với các điều, khoản, quy định rất rõ ràng, cụ thể, tạo thuận lợi cho người dân Việt Nam nói chung và Việt kiều nói riêng trong Luật Đất đai năm 2024.

Những luận điệu mà các thế lực thù địch rêu rao không phải là để “đấu tranh” đòi quyền lợi cho người dân trong nước, cũng không phải vì quyền lợi của kiều bào ở nước ngoài, cũng không phải là lợi ích quốc gia, dân tộc, mà mục đích cuối cùng chính là chống phá Đảng, Nhà nước, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN.

Bằng mọi âm mưu thủ đoạn chống phá, chúng gieo rắc sự hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, kích động quần chúng nhân dân chống đối chính quyền, khiến dư luận trong nước và quốc tế hiểu sai về quá trình lập pháp của nước ta, hạ thấp uy tín của Đảng.

Nêu cao cảnh giác, kiên quyết bác bỏ luận điệu xuyên tạc

Thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền sâu rộng làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ những nội dung của Luật Đất đai năm 2024, tổ chức thực hiện hiệu quả, làm tốt các chính sách đất đai, bảo đảm an sinh xã hội... thì việc nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc Luật Đất đai năm 2024 cũng cần được tập trung quan tâm chú trọng.

Luật Đất đai năm 2024 được triển khai thực hiện hiệu quả trong thực tiễn chắc chắn sẽ đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của đất nước, kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời là bằng chứng đanh thép bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân Việt Nam cần tích cực nghiên cứu, nắm vững và thực hiện đúng các quy định của Luật Đất đai năm 2024. Đồng thời nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và cuộc sống bình yên của Nhân dân ta.

NGUYỄN VĂN SỰ

Phó Trưởng ban trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/320431/khong-the-xuyen-tac-luat-dat-dai-nam-2024.html