Không thể xuyên tạc quan hệ tốt đẹp Việt – Trung: 'Vừa là đồng chí vừa là anh em'

Quan hệ truyền thống hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc 'vừa là đồng chí, vừa là anh em' qua 75 năm tiếp tục phát triển mạnh mẽ và là chân lý không thể xuyên tạc.

Tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc

Năm 2025 đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử 75 năm mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc - Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc cũng là nước đầu tiên mà Việt Nam xác lập cấp độ quan hệ ngoại giao cao nhất này.

Đặc biệt là sau các chuyến thăm lẫn nhau mang ý nghĩa lịch sử của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước những năm gần đây, quan hệ song phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.

Nhưng cũng có những thế lực phản động muốn xuyên tạc và chia rẽ quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước phát triển mạnh mẽ. Thời gian qua, mỗi khi quan hệ hữu nghị Việt Nam và Trung Quốc có những sự kiện song phương quan trọng, đánh dấu các mốc phát triển mới phù hợp với tình hình thì cũng là lúc những luận điệu xuyên tạc, đổi trắng thay đen được các thế lực này liên tiếp tung ra trên các trang mạng xã hội, các tài khoản của các “nhân vật” tự cho mình cái quyền được thay mặt công luận để phán xét, để kích động cũng như tung hỏa mù.

Điểm chung dễ nhận thấy của các luận điệu chống phá, các “phán xét” dưới cái vỏ bọc đại diện dư luận là sự xuyên tạc trắng trợn các diễn biến tích cực của quan hệ giữa hai nước, các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, nhất là các thỏa thuận hợp tác kinh tế song phương mà mỗi bên có thế mạnh và nhu cầu. Cùng đó là sự cố tình xuyên tạc, diễn dịch các diễn biến lịch sử hòng tạo “lòng tin” cho những luận điệu không ngoài việc mang tính kích động.

Khi cảm thấy chưa đủ “liều lượng”, các luận điệu đó tiếp tục được cực đoan hóa, với sự tham gia của những đối tượng cơ hội chính trị mang danh quần chúng hòng thêm cái gọi là “sức nặng” công luận để không ngoài mục đích kích động dư luận hiểu sai những bước phát triển mới của mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.

Điều nghiêm trọng hơn là các luận điệu chống phá đó đã dùng nhiều ngôn từ, hình ảnh nhằm xúc phạm các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo sự nghi ngờ, chúng đưa ra những luận điệu vô lý như Việt Nam phải theo bên này bên kia, cường điệu hóa những mối nguy không có thực.

Sức sống của mối quan hệ hữu nghị truyền thống

Có thể nói, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc trải qua thời gian phát triển tuy có lúc khó khăn nhưng dòng chảy chủ đạo, chiến lược vẫn là tốt đẹp, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Đó là mối quan hệ được các nhà lãnh đạo hai nước qua các thời kỳ lịch sử dày công xây đắp, định hướng cùng với sự nỗ lực kiến tạo của nhân dân hai nước.

Năm 2025 là năm mang ý nghĩa đặc biệt khi cả hai nước cùng kỷ niệm năm thứ 75 của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, được khởi nguồn từ sự công nhận ngoại giao lẫn nhau ở thời điểm năm 1950. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1/10/1949), ngày 5/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng tới Chủ tịch Mao Trạch Đông. Sau khi nhấn mạnh mối quan hệ truyền thống giữa hai nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ ý, “từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài".

Ngày 15/1/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là nước đầu tiên tuyên bố công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và ngày 18/1/1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng là nước đầu tiên công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bước sang năm thứ 75 của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước có bước phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2024, hợp tác kinh tế thương mại tiếp tục đạt đỉnh cao mới, vượt mức 200 tỷ USD theo thống kê của Việt Nam và 260 tỷ USD theo số liệu của Trung Quốc.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Ảnh minh họa.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Ảnh minh họa.

Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD, tăng 17,46%. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân của Việt Nam.

Phương ngôn Trung Quốc có câu: “Quốc chi giao tại ư dân tương thân” (quan hệ giữa các quốc gia cốt ở sự đi lại thân thiết giữa người dân). Điều này gợi cho thấy bên cạnh việc tăng cường trao đổi cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, việc lan tỏa hiệu ứng tích cực của chuyến thăm, các động lực tích cực trong quan hệ hợp tác đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hai bên, củng cố nền tảng dân ý tốt đẹp cho quan hệ song phương là điều hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi cả hai nước cùng bước vào kỷ nguyên mới và thời kỳ phát triển mới.

Chính bởi vậy mà cả hai nước đã xác định năm thứ 75 của mối quan hệ hữu nghị truyền thống là Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc. Năm giao lưu đó được triển khai bằng việc tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, mở rộng hợp tác giữa các địa phương hai nước. Qua đó, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, phát huy tình hữu nghị truyền thống, củng cố nền tảng dân ý tốt đẹp cho quan hệ song phương.

Năm giao lưu nhân văn là động lực và là cơ hội để hai bên cùng nhau đẩy mạnh hơn nữa hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch; phối hợp triển khai sâu rộng các hoạt động giao lưu hữu nghị, qua đó giúp cho các tầng lớp nhân dân hai nước hiểu biết đầy đủ hơn về văn hóa, đất nước, con người của nhau.

Đặc biệt, để cho thế hệ trẻ hai nước tiếp bước cha anh, kế thừa, gìn giữ và không ngừng phát huy những giá trị tốt đẹp của tình hữu nghị truyền thống - tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Từ đó, tiếp thêm sức sống mạnh mẽ và tương lai tốt đẹp cho quan hệ song phương.

Bởi nhân văn không gì khác hơn là những gì tiến bộ, khoa học, xuất sắc và lành mạnh nhất trong văn hóa của con người. Quan hệ bang giao chính nằm ở việc giao lưu mật thiết của người dân.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4/2025.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khong-the-xuyen-tac-quan-he-tot-dep-viet-trung-vua-la-dong-chi-vua-la-anh-em-382760.html