Không thể xuyên tạc Quy định 205 của Bộ Chính trị
PTĐT - Ngày 23-9-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký, ban hành Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (gọi tắt là Quy định 205-PV). Quy định ra đời đã lần nữa củng cố niềm tin tuyệt đối của toàn Đảng, toàn dân...
PTĐT - Ngày 23-9-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký, ban hành Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (gọi tắt là Quy định 205-PV). Quy định ra đời đã lần nữa củng cố niềm tin tuyệt đối của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về đường lối lãnh đạo của Trung ương Đảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Bởi, đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững đất nước.
Trước tính nghiêm minh, khoa học, nhân văn, chấn chỉnh toàn diện, sâu sắc các mặt trong công tác cán bộ, vì sự phát triển bền vững của đất nước mà Quy định 205 đã đưa ra, ngay lập tức các thế lực thù địch, phản động tung ra nhiều bài viết trên mạng xã hội để bôi đen, bóp méo, xuyên tạc về công tác cán bộ của Đảng. Chúng tập trung lợi dụng những yếu kém, bất cập của số ít cán bộ và công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua ở một số bộ, ngành, địa phương để cho rằng, Quy định 205 không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân mà chỉ là phục vụ cho lợi ích nhóm. Đáng lên án hơn, chúng đặt câu hỏi rằng, vì sao ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ta không đưa ra quy định này mà để đến cuối nhiệm kỳ, nhất là chuẩn bị diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam mới ban hành? Đây có phải là bước để “thanh trừng nội bộ”, hoặc là cách để “vớt vát” danh dự, phủ đầu cho những yếu kém không thể sửa chữa trong Đảng? Đặc biệt, chúng quy kết chủ quan rằng, Quy định 205 đã thể hiện rõ lâu nay, Đảng ta luôn dung túng cho sự tha hóa của cán bộ, đảng viên, và đó bản chất của thể chế chính trị ở Việt Nam. Đây là những quy kết vô căn cứ, nhận định đầy thù hằn nhằm làm phân tâm niềm tin của cán bộ và nhân dân ta về công tác cán bộ của Đảng, từ đó tạo ra sự hoang mang, dao động, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong nội bộ.Phải khẳng định, Quy định số 205 thực sự không chỉ là phương thức, giải pháp, bộ công cụ để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền của Đảng, mà còn là việc làm thiết thực trong xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng. Quy định ra đời góp phần giải quyết vấn đề then chốt của công tác cán bộ, khắc phục tình trạng lạm quyền, tham ô, tham nhũng, thao túng, chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, hiện tượng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, thăng tiến “thần tốc”, “ngồi nhầm chỗ”… như một số trường hợp xảy ra trong thời gian vừa qua.Thực tế, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Sinh thời, khi đề cập đến vai trò của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nói về vai trò của công tác tổ chức cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng để có thể sử dụng tốt đội ngũ cán bộ có chất lượng cao là điều kiện cơ bản cho bộ máy tổ chức Đảng và các cơ quan công quyền vận hành tốt, có hiệu quả và ít bệnh tật”. Thấm nhuần, nhất quán quan điểm, tư tưởng ấy của Người, trong suốt mọi giai đoạn của cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt, vận dụng linh hoạt khi tiến hành công tác cán bộ. Trong đó, thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Cũng nhờ đó mà Đảng ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đa phần có đủ đức, đủ tài, ngang tầm với nhiệm vụ. Đó chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, Đảng ta cũng không hề phủ nhận, hay nói cách khác, Đảng luôn nhận định và đánh giá đúng tình hình rằng, dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Đáng chú ý, việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn bất cập, sơ hở, chưa thực sự chặt chẽ. Vẫn còn hiện tượng nể nang, cục bộ; một số cơ chế chính sách đề bạt, bổ nhiệm chưa công bằng, chưa đầy đủ... Do vậy, việc đưa ra Quy định 205 trước khi diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là hết sức cần thiết. Đặc biệt, Quy định được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn bộ nhân dân cùng nắm vững, cùng giám sát đã thể hiện tính minh bạch, dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng, được nhân dân đồng tình, tin tưởng...Để đấu tranh thắng lợi trước sự chống phá của các thế lực thù địch về công tác cán bộ - công tác quyết định đến sinh mệnh chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta, trước tiên, cấp ủy các cấp cần quán triệt sâu sắc Quy định 205. Khẳng định, Quy định là hoạt động bình thường trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ các cấp là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Việc đưa ra Quy định là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ chứ không hề có sự “vun vén lợi ích nhóm”, hay “thanh trừng nội bộ” và “vớt vát danh dự” của Đảng.Đi đôi với đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là cấp chi bộ, Đảng bộ cơ sở đang trong thời gian gấp rút chuẩn bị nhân sự cho Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, cần nắm vững, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. Khi tiến hành công tác cán bộ cần bảo đảm khách quan, công tâm, trung thực, chính xác, thận trọng, chặt chẽ; kịp thời phát hiện, báo cáo những dấu hiệu tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt, cần tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là những cơ quan, đơn vị có biểu hiện nội bộ mất đoàn kết, có biểu hiện sai phạm; có vấn đề phức tạp nảy sinh, những bức xúc mà đảng viên và quần chúng phản ánh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Đồng thời tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị.