Không theo khuyến cáo: Xuống giống hơn 5.600 ha lúa thu đông
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, theo các dự báo của cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024 tương đương với năm 2015 - 2016 hoặc có thể như năm 2019 - 2020.
UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản chỉ đạo cương quyết cắt vụ lúa thu đông ở các huyện phía Đông và các địa phương cũng đồng tình.
Tuy nhiên, do giá lúa tăng cao, nông dân thấy lợi ích trước mắt nên tiếp tục gieo sạ vụ lúa thu đông. Do đó, rất khó cho các địa phương trong việc thực hiện cắt vụ lúa thu đông.
Theo thống kê, đến nay, có 5.629 ha xuống giống vụ lúa thu đông, trong đó, huyện Gò Công Tây 4.273 ha, huyện Gò Công Đông 211 ha, TX. Gò Công 1.145 ha.
Nếu gieo sạ vụ lúa thu đông thời điểm này thì cuối tháng 11, đầu tháng 12-2023 mới thu hoạch. Khi gieo sạ vụ lúa đông xuân thì tháng 3-2024 mới có thể thu hoạch.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, các dự báo của cơ quan chuyên môn đều khẳng định năm nay mặn sẽ đến sớm.
Do đó, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền việc cắt vụ. Sau khi thu hoạch vụ lúa thu đông xong, các địa phương khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng rau màu hoặc không gieo sạ vụ đông xuân.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm nay, tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5% - 10%. Tháng 9 mưa sẽ nhiều, nhưng trong tháng 10, 11 lượng mưa sẽ giảm dần.
Mùa mưa sẽ kết thúc vào nửa cuối tháng 10-2023 và không có mưa trái mùa như những năm trước. Do đó, xâm nhập mặn sẽ đến sớm hơn.
“Các huyện phía Đông không thể chủ quan. Bởi kinh nghiệm rút ra từ mùa hạn, mặn năm 2020, khi đóng cống Xuân Hòa, mặn từ sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre sẽ lấn sang. Khối mặn sẽ đẩy lên, đẩy xuống ở sông Tiền. Mặc dù là khó, nhưng chúng ta phải có giải pháp tính toán để sớm chủ động.
Ngành Nông nghiệp đã tổ chức các hội nghị ở phía Đông, Tây và triển khai hết các giải pháp. Vấn đề còn lại là việc tuyên truyền cho bà con nông dân thực hiện tốt”, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn nhấn mạnh.