Không thiếu người mua
Nói như thế liệu có khiên cưỡng hay thái quá không khi thời gian qua vẫn có không ít mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam luôn gặp khó trong khâu tiêu thụ, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ. Tuy nhiên, nếu chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn, nhạy bén hơn với một tư duy thị trường hơn sẽ thấy được cái lý của lời nhận định trên.
Trong buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hoa Kỳ từ ngày 11 - 17-5, ông Paul Dyck - Phó Chủ tịch Tập đoàn Walmart khẳng định: “Walmart có kế hoạch mua tất cả các loại nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam để phục vụ người tiêu dùng nếu đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng và bền vững”. Từ đây có thể thấy, cơ hội tiêu thụ cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam là rất lớn, bởi Walmart là tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đang vận hành khoảng 10.500 đại siêu thị ở 24 quốc gia và trên các trang website thương mại điện tử. Walmart Quốc tế có hơn 5.100 đơn vị bán lẻ và khoảng 550.000 công ty liên kết trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, để biến cơ hội trên thành hiện thực, điều đầu tiên là chúng ta cần quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… để đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của Walmart. Ngoài ra, còn phải có các cơ sở đóng gói, bảo quản, chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn của Walmart, để đưa nông, lâm, thủy sản Việt Nam vào phân phối trong hệ thống của Walmart trên toàn cầu, giảm thiểu các rủi ro của biến động thị trường và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Câu chuyện của Walmart làm người viết nhớ tới lời khẳng định của anh Trịnh Đức Vinh - Giám đốc DNTN Đức Vinh ở TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cách nay hơn 10 năm. Đây là một doanh nghiệp chuyên thu mua, xuất khẩu hành tím, ớt, hành lá và sau này có cả đậu phộng, me muối… Anh Vinh từng khẳng định với người viết: “Bất kỳ loại nông sản nào ở Sóc Trăng hay nói rộng hơn là Việt Nam làm ra cũng đều bán được hết, miễn là chúng ta đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về số lượng, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có quy trình bảo quản, đóng gói phù hợp và có mức giá cạnh tranh”. Anh không nói suông mà dẫn chứng luôn một mạch: “Như trái ớt của mình chẳng hạn. Nếu chúng ta chịu chọn đúng giống, có vùng sản xuất tập trung đủ lớn, canh tác đúng theo quy trình an toàn và có chứng nhận thì luôn có thị trường tiêu thụ ổn định, giá tốt. Hay như cây hành lá, mấy năm rồi tôi muốn có khoảng 100ha để làm vùng nguyên liệu nhưng tìm hoài cũng không có”.
Tới đây có thể thấy, để các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đến được người tiêu dùng trên thế giới, nhằm hạn chế tình trạng “được mùa thất giá” hay “giải cứu nông sản”, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, mà trước tiên là làm sao giải được “lời nguyền” trong nông nghiệp như Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng phát biểu là: “Nhỏ lẻ, manh mún và tự phát”. Đây cũng chính là cái gốc của vấn đề, là lực cản đi lên của nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn… theo hướng thuận thiên. Chính sự nhỏ lẻ, manh mún và tự phát đã làm khó chúng ta trong việc xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, khó đưa các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, khó áp dụng đồng bộ các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, khiến sản phẩm khó kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, độ đồng đều… dẫn đến giá thành sản xuất cao nhưng lại rất khó tiêu thụ.
Không nói đâu xa, ngay như mặt hàng chiến lược của đồng bằng sông Cửu Long là con tôm nước lợ dù đã có những thành tích nhất định nhưng để tăng tốc và vươn tầm thế giới vẫn còn gặp khó bởi đa số người nuôi tôm quy mô nhỏ lẻ, mỗi người một cách nuôi, một bộ quy trình sản xuất khác nhau. Cũng chính từ số hộ nuôi nhỏ lẻ chiếm phần đông, nên đến giờ này, số diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn ASC, BAP trên cả nước chỉ mới vào khoảng 1%, một con số quá nhỏ bé so với nhu cầu từ 2 thị trường tôm chủ lực của Việt Nam là EU và Mỹ. Ngay cả việc đăng ký và cấp mã số vùng nuôi để giúp doanh nghiệp chứng minh nguồn gốc sản phẩm đến giờ còn ì ạch, khiến doanh nghiệp càng thêm nóng ruột vì các đối thủ cạnh tranh đang lấn dần thị phần tôm Việt. Gần đây, thị trường lớn của con tôm và nhiều mặt hàng nông, thủy sản khác của Việt Nam là Trung Quốc vốn dễ tính cũng đã thắt chặt hơn vấn đề chất lượng và vệ sinh thực phẩm, nên việc sớm giải quyết “lời nguyền” trên càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Nông nghiệp Việt Nam rất đa dạng với nhiều sản phẩm được thị trường thế giới ưa chuộng nhưng người nông dân và doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiêu thụ mà một trong những nguyên nhân chính là do sản phẩm làm ra chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của bên mua hàng. Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã được ký kết chính là lời khẳng định cho câu nói “không thiếu người mua” mà cái thiếu chính là số lượng, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cùng mức giá cạnh tranh của các mặt hàng của chúng ta mà thôi.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/khong-thieu-nguoi-mua-57808.html