Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Ngày 28/03, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đa số các đại biểu cho rằng, quy định chặt chẽ hơn việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng.

Liên quan đến việc thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, một số đại biểu cho rằng trong thực tiễn có nhiều trường hợp vi phạm phức tạp, cần phân loại rõ trường hợp nào giải quyết theo biện pháp hành chính, trường hợp nào xử lý qua cơ chế tòa án. Việc thu hẹp đối tượng xử phạt sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giảm vai trò chủ động của cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: “Phải phân loại, trường hợp nào xử tại tòa, còn vi phạm thì xử lý hành chính, còn xảy ra tranh chấp thì làm tại tòa. Trong điều 221 liên quan đến vi phạm sở hữu thì cũng chưa có quy định, cần giảm những vấn đề thủ tục, hoặc thời gian thụ lý hồ sơ để đảm bảo lợi ích của 2 bên, không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của họ.”

Ông ĐỒNG NGỌC BA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: “Giữ nguyên hiện hành là phù hợp với thực tiễn. Tôi cho rằng là tùy vào tính chất của vi phạm, nếu là dan sự thì xử lý theo dân sự, có 1 thuận lợi là có thể khởi kiện ra tòa, vừa có thể đề nghị cơ quan nhà nước xử lý vi phạm. Mà thực tiễn hiện nay, chúng ta giải quyết bằng cơ chế tòa án sẽ dẫn đến quá tải hệ thống tòa án, và năng lực chưa có tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ.”

Về quyền tác giả, quyền liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, các đại biểu nhận định một số nước có luật riêng quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, còn ở Việt Nam chưa có văn bản riêng quy định về vấn đề này. Do vậy, để bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến Nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn, cần thiết phải bổ sung vào dự thảo quy định có tính nguyên tắc.

Ông LÊ MINH NAM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: “Nhiều nước có quy định về Quốc kỳ, Quốc ca luật riêng, xuất phát từ thực tiễn, có nhiều Quốc ca trên không gian mạng, ngắt tiếng khi Youtube, quốc kỳ nhật bản cũng bán hàng trên Amazon bán hàng thảm trải sàn cũng gắn quốc kỳ, dưới góc độ bản quyền, không quy định cụ thể thì xảy ra hiện tượng xúc phạm hoặc lợi dụng quyền sở hữu để hạn chế phổ biến đến nhân dân. Quy định đảm bảo tính trang nghiêm, bổ sung nội dung, sửa đổi khoản 2 điều 7.”

Về điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, một số ý kiến cho rằng cần rút ngắn điều kiện 5 năm và liên tục đối với các cá nhân muốn được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Ông PHAN CHÍ HIẾU - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: “154, 155 của dựa thảo của luật sở hữu trí tuệ, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, điểm nhấn mạnh liên tục 5 năm trở lên, điều kiện 5 năm làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký hoặc đăng ký thứ 3 là đã tốt nghiệp tôi thấy không hợp lý, nếu chúng ta yêu cầu không đủ 5 năm thì phải trả qua khóa học mà tôi tìm không có khóa học nào cả. Cho nên đề nghị rút ngăn 5 năm và thứ hai bỏ chữ liên tục.”

Một số đại biểu đề nghị quy định rõ các tác phẩm điện ảnh sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa trong nội dung giao quyền đăng ký, sở hữu trí tuệ để giảm các thủ tục không cần thiết khi các địa phương này sử dụng.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khong-thu-hep-doi-tuong-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-so-huu-tri-tue