Không thưởng Tết cũng... chẳng sao?
Người lao động Việt Nam có thể chưa biết rằng, luật lao động không hề có một dòng nào quy định về việc thưởng Tết. Nghĩa là chủ doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải thưởng cho người lao động vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Pháp luật hiện hành không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động và không có bất cứ quy định nào về lương tháng 13. Vì thế không phải doanh nghiệp nào đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cũng có "lương tháng 13" hay một khoản thưởng Tết cho người lao động.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 103 Bộ luật Lao động 2012: Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Có thể thấy, pháp luật không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết cho người lao động. Người sử dụng lao động có thể thưởng hoặc không. Đó là chưa kể để được nhận tiền thưởng người lao động phải đạt (mức động hoàn thành do người sử dụng lao động đưa ra) yêu cầu công việc đã thực hiện cam kết (trong hợp đồng lao động).
Trường hợp có thưởng thì mức thưởng cũng sẽ do người sử dụng lao động quyết định dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc trong năm của người lao động.
Cùng với đó, pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào về lương tháng 13 và không phải doanh nghiệp nào cũng có lương tháng 13.
Nhưng, luật lao động hiện hành quy định cụ thể quyền lợi của người lao động đi làm vào những ngày nghỉ lễ, tết. Cụ thể, quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2012: "Người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương 5 ngày Tết Âm lịch. Nếu ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp".
Một nội dung đáng chú ý khác, nếu đi làm vào đúng ngày nghỉ lễ, tết, người lao động được hưởng ít nhất 400% tiền lương. Theo quy định, người lao động được nghỉ làm trong suốt những ngày nghỉ Tết Âm lịch. Trường hợp do đặc thù công việc hoặc thực hiện theo sự phân công, sắp xếp của người sử dụng lao động mà người lao động vẫn đi làm vào những ngày này thì sẽ được tính là làm thêm giờ và hưởng lương làm thêm giờ.
Tại khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 quy định: "Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm: Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ; Do đó, nếu người lao động làm thêm giờ trong ngày Tết Âm lịch sắp tới sẽ được hưởng tối thiểu 400% tiền lương ngày làm việc bình thường.
Còn khoản 2 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 chỉ rõ: "Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường; Trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo thời gian làm việc thực tế, tiền lương làm thêm giờ, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày".
Trên cơ sở này, nếu làm việc vào ban đêm trong dịp Tết Âm lịch thì tổng tiền lương mà người lao động nhận được bằng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Có thể người lao động Việt Nam chưa "quen" với khái niệm đi làm không có thưởng Tết vì đây là nét văn hóa của nước ta và một số nước châu Á. Trong khi đó, số doanh nhân, nhà nghiên cứu còn cho rằng nghỉ Tết là một sự lãng phí cả về thời gian lẫn tiền bạc.
Nhưng thực tế nếu tính toán rõ ràng thì người sử dụng lao động không hề "chịu thiệt một đồng, một cắc" nếu trả lương tháng 13 cho người lao động. Hiện nay, trên thế giới hầu hết các quốc gia phát triển đều trả lương theo tuần, có nhiều nước còn trả lương theo giờ cho một số ngành nghề đặc biệt (luật sư, bác sĩ, chuyên gia tại một số lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cao...). Nếu tính đúng, tính đủ thì 1 năm có tới hơn 52 tuần tương đương với hơn 13 tháng (nếu tính trung bình 1 tháng có 4 tuần).
Như vậy, việc trả lương tháng 13 (thường bị coi như là thưởng Tết cho người lao động) là chuyện "tất lẽ dĩ ngẫu" không những phù hợp với văn hóa Á Đông mà còn là cách giữ chân người lao động, đặc biệt với giới chủ doanh nghiệp nước ngoài. Tất nhiên, sẽ không loại trừ một số chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động "cố tình" không trả lương, thưởng Tết. Lúc này các tổ chức Công đoàn - đại diện cho người lao động sẽ phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Hơn thế nữa, theo một số chuyên gia về lao động, việc không trả lương, thưởng Tết là một trong những nguyên nhân thất bại hàng đầu của nhiều doanh nghiệp (trong và ngoài nước) vì đơn giản là họ (chủ doanh nghiệp) đã không tôn trọng và tuân thủ "văn hóa kinh doanh" của người Việt Nam.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khong-thuong-tet-cung-chang-sao-635282.html