Không tìm thấy ba công khai, Học viện Quản lý Giáo dục nói website bị lỗi

Do website của Học viện Quản lý giáo dục bị lỗi nên việc tìm kiếm các báo cáo ba công khai đã đăng tải gặp nhiều khó khăn.

Theo thông tin trên website, năm 1966, Trường Lý luận Nghiệp vụ giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) được thành lập để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, phòng giáo dục huyện, trường phổ thông trung học và tổ chức một số lớp bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý của ngành giáo dục về một số vấn đề cấp bách trong quản lý giáo dục.

Theo Quyết định số 190/TTg ngày 1/10/1976 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Cán bộ quản lý giáo dục được thành lập trên cơ sở Trường Lý luận nghiệp vụ giáo dục.

Năm 1990, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định sáp nhập 3 đơn vị gồm: Trường Cán bộ quản lý giáo dục; Trường Cán bộ quản lý đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Trung tâm Nghiên cứu tổ chức quản lý và Kinh tế học giáo dục trở thành Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo.

Theo Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Quản lý giáo dục chính thức được thành lập.

Học viện Quản lý Giáo dục có chức năng đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục; nghiên cứu và phát triển khoa học quản lý giáo dục; ứng dụng khoa học quản lý giáo dục, tham mưu và tư vấn cho các cơ quan quản lý giáo dục nhằm đáp ứng những yêu cầu của chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước.

Giai đoạn 2020-2030, học viện đặt mục tiêu trở thành một trung tâm đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao, có năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ tiên tiến, có môi trường mở về tri thức, gắn nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng với phục vụ cộng đồng, có quan hệ quốc tế rộng rãi, giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và tư vấn chính sách, cải cách giáo dục.

Trong đó, đến năm 2030, mục tiêu học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong nước và khu vực về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, cung cấp dịch vụ về giáo dục nhất là quản lý giáo dục; đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật hiện đại; có quan hệ hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học rộng rãi trong và ngoài nước.

 Cổng vào Học viện Quản lý giáo dục. (Ảnh: Mai Quyết)

Cổng vào Học viện Quản lý giáo dục. (Ảnh: Mai Quyết)

Hiện tại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Quản lý giáo dục; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần là Giám đốc học viện.

Không tìm thấy ba công khai do website bị lỗi

Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục quốc dân quy định: “Công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm” và “Niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục và đào tạo đảm bảo thuận tiện để xem xét… Thời gian thực hiện niêm yết ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết”.

Như vậy, tháng 6/2024, cơ sở giáo dục đại học phải đăng tải báo cáo ba công khai năm học 2023-2024. Tuy nhiên, tính đến ngày 4/9/2024, trên website của Học viện Quản lý giáo dục, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam không tìm thấy báo cáo ba công khai năm học 2023-2024.

 Kết quả tìm kiếm theo từ khóa "ba công khai" trên website của Học viện Quản lý giáo dục chỉ hiển thị duy nhất Báo cáo ba công khai năm học 2021-2022. (Ảnh chụp màn hình ngày 4/9/2024)

Kết quả tìm kiếm theo từ khóa "ba công khai" trên website của Học viện Quản lý giáo dục chỉ hiển thị duy nhất Báo cáo ba công khai năm học 2021-2022. (Ảnh chụp màn hình ngày 4/9/2024)

Ngày 26/9/2024, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Hồng Dương - Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho biết, về thực hiện báo cáo ba công khai theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT, học viện có công khai đầy đủ trên website.

Cụ thể, trên giao diện của website, tại mục Đào tạo, khi tìm kiếm từ khóa ba công khai sẽ hiện ra ba công khai của các năm từ 2017 đến năm 2019; tại mục Tài nguyên cũng có ba công khai của học viện. Tuy nhiên, do website của học viện bị lỗi nên việc tìm kiếm các báo cáo ba công khai đã đăng tải gặp nhiều khó khăn.

"Học viện đã trao đổi với bộ phận công nghệ thông tin và xác nhận việc tìm kiếm các biểu mẫu liên quan đến ba công khai trên website của nhà trường có khó khăn. Học viện cũng đã yêu cầu bộ phận công nghệ thông tin tổ chức sắp xếp lại các báo cáo ba công khai trên website để thuận lợi cho việc tìm kiếm. Tới đây, học viện có kế hoạch để sửa lại website vì các tệp tài liệu tải lên đang tản mạn tại các danh mục, gây khó tìm kiếm thông tin cho người dùng khi cần", thầy Dương lý giải.

Liên quan đến vấn đề thực hiện báo cáo ba công khai theo Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Thay thế Thông tư số 36), thầy Dương nhận định, trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, vai trò độc lập, tự quyết của cơ sở giáo dục đại học là rất lớn. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm công khai chi tiết về các hoạt động của trường theo đúng yêu cầu để các bên liên quan, xã hội được biết, hiểu rõ và giám sát.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa tích cực, việc Thông tư số 09 quy định thời gian công khai báo cáo của cơ sở giáo dục trên cổng thông tin điện tử tối thiểu là 05 năm kể từ ngày công bố công khai cũng tạo ra nguy cơ rủi ro đối với cơ sở giáo dục vì thời gian lưu trữ lâu, có thể sẽ bị sập website bất cứ lúc nào nếu cơ sở hạ tầng thông tin không đảm bảo.

"Để thực hiện tốt trách nhiệm công khai theo quy định tại Thông tư số 09, học viện chú trọng tập huấn cho chuyên viên về từ việc tổng hợp, thu thập, thống kê cho đến cập nhật thông tin công khai theo đúng quy định", thầy Dương cho biết.

Quy định không nhỏ hơn 25m2, nhưng diện tích đất học viện hiện chỉ khoảng 20-21m2

Để làm rõ thêm một số thông tin, Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục đã có những chia sẻ xoay quanh việc thực hiện Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024.

Đơn cử, tại tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, tiêu chí 3.1 yêu cầu: “Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2".

Và tiêu chí 3.2 quy định: "Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8 m2".

Thế nhưng hiện nay, trên thực tế, với quỹ đất hạn chế, không ít cơ sở giáo dục đại học có diện tích đất bình quân trên mỗi sinh viên thấp hơn so với yêu cầu đặt ra của Chuẩn.

Bàn về việc thực hiện tiêu chuẩn cơ sở vật chất của Học viện Quản lý giáo dục, Tiến sĩ Phan Hồng Dương thông tin, hiện nay, diện tích đất của học viện vào khoảng 17.216 m2; và diện tích sàn xây dựng vào khoảng 5.800 m2.

Trong đó, về diện tích sàn, theo cách tính tại Thông tư số 01, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi đối với học viện hiện nay là khoảng 2,9 m2, đáp ứng được yêu cầu theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (quy định không nhỏ hơn 2,8 m2).

Tuy nhiên, về diện tích đất, nếu theo cách tính tại Thông tư số 01 thì học viện sẽ có diện tích đất khác so với theo cách tính tại Thông tư số 36.

Cụ thể, thầy Dương cho biết, theo cách tính của Thông tư số 01 thì diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi đối với Học viện Quản lý giáo dục hiện nay là khoảng 20 - 21 m2/sinh viên. Còn theo cách tính của Thông tư số 36, diện tích đất/sinh viên của học viện chỉ hơn 10 m2/sinh viên.

Chia sẻ thêm về diện tích đất của học viện, thầy Dương cho hay, theo thông tin ban đầu, học viện có thể sẽ được cấp thêm quỹ đất (khoảng 3.000m2). Do vậy, diện tích đất của học viện trong thời gian tới sẽ tăng lên, có thể đáp ứng được quy định về diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tại Thông tư số 01.

Cũng theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, về tuyển sinh và đào tạo, tiêu chí 5.2 quy định như sau:

“Tỷ lệ thôi học, được xác định bằng tỷ lệ người học chưa tốt nghiệp mà không tiếp tục theo học hằng năm, không cao hơn 10% và riêng đối với người học năm đầu không cao hơn 15%”.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Dương thông tin, theo số liệu 2 năm gần nhất, tỷ lệ sinh viên thôi học năm đầu của học viện không quá 10% (theo quy định là không cao hơn 15%). Do đó, học viện có thể đáp ứng được quy định về tỷ lệ sinh viên thôi học năm đầu.

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên thôi học hằng năm có sự biến động cao/thấp hơn so với quy định của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, năm 2022, tỷ lệ sinh viên thôi học của học viện là 149/1.724 sinh viên (chiếm 8,6%); năm 2023, tỷ lệ sinh viên thôi học của học viện là 243/2.003 sinh viên (chiếm 12,1%).

Tiến sĩ Phan Hồng Dương cho biết, Học viện Quản lý Giáo dục đào tạo theo tín chỉ, trường hợp sinh viên buộc thôi học thường là sinh viên năm 2 bị cảnh báo học tập hai lần liên tiếp.

Thêm nữa, theo thầy Dương, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đưa ra quy định về tỷ lệ thôi học là cần thiết nhưng quan trọng là việc áp dụng như thế nào, các trường hợp cụ thể ra sao. Hơn nữa, hiện nay cũng chưa có quy định hướng dẫn về thực hiện Thông tư số 01.

Chưa kể, việc đưa quy định tỷ lệ sinh viên năm nhất thôi học vào tiêu chí đánh giá chuẩn cơ sở giáo dục không mang lại nhiều giá trị, bởi sinh viên thôi học vì nhiều lý do khác nhau. Do đó, tiêu chí về tỷ lệ thôi học có thể nên được điều chỉnh theo hướng đánh giá tỷ lệ thôi học đối với 2 năm đầu thay vì quy định tỷ lệ thôi học đối với 1 năm đầu.

Về phía học viện, để duy trì ổn định quy mô đào tạo, giảm số lượng sinh viên thôi học hàng năm, học viện đề ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là tăng cường hoạt động cố vấn học tập cho sinh viên. Cụ thể, mỗi lớp (gồm 50 sinh viên) sẽ có 1 giảng viên cố vấn học tập. Học viện giảm số tiết dạy cho giảng viên cố vấn học tập để thầy cô chuyên tâm làm tốt nhiệm vụ sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của sinh viên, kịp thời hỗ trợ cho các em, từ đó góp phần hạn chế số lượng sinh viên bỏ học.

Bên cạnh đó, học viện cũng đã tìm giải pháp hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thông qua các nhà tài trợ, tuy nhiên, hỗ trợ này không nhiều so với kỳ vọng.

Theo Điều 7, Thông tư số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

Ban hành không đầy đủ văn bản thuộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật hiện hành;

Không thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành;

Không thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Mai Quyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khong-tim-thay-ba-cong-khai-hoc-vien-quan-ly-giao-duc-noi-website-bi-loi-post246079.gd